TP.HCM sẵn sàng chia sẻ với Hà Nội và các vùng tâm bão đi qua
TP.HCM đã có kế hoạch ứng phó với bão số 3 (Yagi), sẵn sàng chia sẻ với TP Hà Nội và những địa phương có vùng tâm bão đi qua.
Ngày 7/9, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống chính trị của thành phố chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi).
Theo đó, Thành ủy TP.HCM yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, từng cơ quan, đơn vị theo sát tình hình, dự báo các tình huống mưa to, triều cường, cây gãy đổ. Kịp thời thông báo để người dân sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại.
Các đơn vị phân công lực lượng ứng trực, giúp dân khi gặp khó; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý trách nhiệm nếu có sai sót. Đồng thời, thường xuyên báo cáo tình hình về Thường trực Thành ủy TP.HCM để kịp thời chỉ đạo.
"Thành phố có kế hoạch, sẵn sàng chia sẻ với TP Hà Nội và những địa phương có vùng tâm bão đi qua", Thành ủy TP.HCM cho biết.
Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, UBND các quận huyện, TP Thủ Đức và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật tập trung lực lượng kiểm tra cây xanh thuộc trách nhiệm quản lý để cắt tỉa, đốn hạ những cây bị sâu bệnh, sam thân, bọng gốc, nghiêng có khả năng gãy đổ, gãy cành nhánh. Giảm thiểu sự cố cây xanh.
Bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực, phối hợp các đơn vị có liên quan để có biện pháp ứng phó, xử lý ngay các trường hợp cây xanh ngã đổ (nếu có) để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn; hạn chế tối đa những rủi ro, thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố cây xanh. Nhất là xử lý các cây ngã đổ lên nhà dân, trụ sở, trường học, bệnh viện, công trình công cộng.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, các cống kiểm soát triều, van ngăn triều, máy bơm, trạm bơm theo phân cấp nhằm đảm bảo khả năng chống ngập cho khu vực đô thị; tăng cường nạo vét hệ thống thoát nước trên các tuyến đường thường xuyên bị ngập úng do mưa lớn, triều cường;
Sửa chữa, thay thế hố ga bị sụt lún, mất nắp, vênh cao, hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông. Tổ chức ứng trực thường xuyên, huy động máy bơm, thiết bị để kịp thời ứng cứu các điểm ngập nặng phát sinh trong khu vực nội thành.
Tổ chức trực tại hiện trường các vị trí ngập nước, vớt rác miệng thu hố ga trước, trong và sau mưa bão. Có rào chắn, biển báo và phân luồng giao thông tại các vị trí bị ngập nặng.
Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Tăng cường kiểm tra hệ thống chiếu sáng đô thị và xử lý ngay các công việc đảm bảo an toàn điện. Sửa chữa, thay thế các vị trí đèn chiếu sáng tắt hoặc không đủ độ sáng có thể gây mất an toàn giao thông.