TP.HCM: Nhiều chính sách thu hút người tài cho khu vực công
TP.HCM thu hút nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công bằng nhiều chính sách để đãi ngộ, trọng dụng.
Đi cùng với việc tổ chức, sắp xếp tinh gọn bộ máy là yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chính vì thế cần phải có những chính sách để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo và phát triển người tài nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới.
Để đáp ứng yêu cầu này, Bộ Nội vụ đã có nhiều chính sách thu hút, trọng dụng người tài; hiện bộ cũng đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập với nhiều chính sách nổi trội. Tại TP.HCM, điều này cũng được chính quyền TP đặc biệt chú trọng.
Tận dụng, thu hút nguồn lực tại chỗ
Mới đây, UBND TP.HCM có báo cáo về kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết 25/2023 của HĐND TP.HCM liên quan đến chính sách đãi ngộ để tuyển dụng công chức, viên chức (CCVC) từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị TP năm 2024. Có sáu thí sinh đã trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng CCVC từ nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2024.
Cụ thể, từ cuối năm 2023, HĐND TP.HCM đã ban hành một số nghị quyết trong việc thu hút người tài vào làm việc ở khu vực công với mức đãi ngộ mới, cao hơn giai đoạn trước (2018-2023), trong đó có Nghị quyết 25.
Triển khai thực hiện, năm 2024, TP.HCM thông báo tuyển dụng sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ cho 19 vị trí (14 công chức và 5 viên chức). Từ 15 hồ sơ đăng ký ban đầu, qua quá trình tiếp nhận và sàng lọc, có 8/15 thí sinh đăng ký đủ tiêu chuẩn. Trải qua vòng phỏng vấn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hội đồng tuyển dụng tuyển được sáu người.
Những người này gồm Nguyễn Đinh Thu Hiền trúng tuyển viên chức Giáo viên THPT hạng III; Nguyễn Thị Kim Oanh trúng tuyển vị trí Trợ giảng Trường Đại học Sài Gòn; Võ Tiến Đạt và Nguyễn Duy Tuấn, trúng tuyển công chức vào Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP; Phan Thị Thu Phương trúng tuyển công chức vào Sở GTVT; Võ Lập Phúc trúng tuyển công chức vào UBND TP Thủ Đức.
Ngoài ra, TP.HCM cũng chủ trương tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ. Nghị quyết 25 còn áp dụng với đội ngũ CCVC từ phó trưởng phòng trở xuống, đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức thuộc HĐND TP.HCM, TP Thủ Đức và năm huyện, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, trừ đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Triển khai việc này, UBND TP.HCM yêu cầu cán bộ được lựa chọn phải thực sự là các trường hợp có đủ phẩm chất và năng lực xuất sắc, tiêu biểu trong nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới. Đồng thời, đó còn phải là những cá nhân ở vị trí việc làm được phân công trực tiếp, chủ trì công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp, đề án, kế hoạch, chương trình, sáng kiến công trình nghiên cứu khoa học, mang lại hiệu quả cao…
Đây là tiêu chí, chính sách mở dành cho đội ngũ đang làm việc ngay trong hệ thống quản lý nhà nước, đồng thời mong TP có những đặt hàng cụ thể để tạo ra được những sản phẩm hiệu quả sau khi được tuyển dụng.
Tính đến giữa tháng 10-2024, có 11 cơ quan, đơn vị đăng ký danh sách 36 cán bộ, CCVC đề nghị xem xét, tuyển chọn để hưởng chính sách đãi ngộ. Theo tìm hiểu, trong số 36 người được đề xuất hầu hết nằm đều ở khối sở, ngành, quận, huyện. TP.HCM đã họp hội đồng, xem xét chọn những cán bộ, CCVC đủ tiêu chuẩn để áp dụng chính sách ưu đãi.
Chủ động “săn” người tài chứ không chờ
Trước đó, năm 2023, sau năm năm thực hiện Nghị định 140/2017, lần đầu tiên TP.HCM tuyển dụng được ba viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc. Hiện cả ba đều đang làm việc tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM và phát huy được kiến thức, năng lực chuyên môn của mình.
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đã ban hành Đề án 01/2023 nhằm hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP.HCM giai đoạn 2020-2025. Giai đoạn 2019-2023, TP.HCM thu hút được 10 chuyên gia, nhà khoa học, trong đó ký hợp đồng với tám trường hợp (bốn người làm việc tại Ban quản lý Khu công nghệ cao, bốn người làm việc tại Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao).
Cho đến nay, TP.HCM vẫn tiếp tục tổ chức tuyển dụng theo Nghị định 140 kết hợp lồng ghép, mở rộng đối tượng thu hút và tăng mức đãi ngộ theo các nghị quyết mà HĐND TP đã ban hành. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy khả năng thu hút vẫn không khả quan.
“Nhu cầu thu hút của TP là có và rõ ràng là rất cần nhưng tỉ lệ thu hút được lại rất thấp” - ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, nêu thực tế qua khảo sát và nhấn mạnh TP đã xây dựng nhiều đề án, công trình có quy mô quốc tế, xây dựng môi trường học tập, làm việc lành mạnh với chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên xuất sắc. Vì vậy, rất cần đội ngũ cán bộ, công chức đủ tầm, có năng lực, năng động, sáng tạo.
Còn theo Sở Nội vụ TP, áp lực cạnh tranh về thu hút, giữ chân người tài đối với TP.HCM là rất lớn, bởi thực tế khu vực tư nhân vẫn là nơi hấp dẫn về mức đãi ngộ, cũng như môi trường làm việc. Ngoài ra, sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ có nhiều cơ hội nhận được học bổng để nâng cao trình độ nên thường ưu tiên học tập, chưa quan tâm nhiều đến mục tiêu làm việc cho cơ quan nhà nước.
Một lý do khác được đưa ra là nhiều cơ quan, đơn vị còn e ngại về nguồn tuyển dụng hạn chế, lo ngại xảy ra tình trạng so bì về chính sách đãi ngộ của người tài cao hơn mặt bằng chung.
“Dù chủ trương, chính sách đã có nhưng các sở, ngành chưa có kế hoạch cụ thể, chưa đi về các trường để giới thiệu đến các sinh viên. Vì vậy, các em chưa có cơ hội thực tập, thử nghiệm nhiều trong môi trường nhà nước…” - đại diện khối Đại học Quốc gia TP.HCM nêu.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Tăng Hữu Phong cho rằng các địa phương triển khai còn khá chậm, nhiều cơ quan vẫn chỉ dừng lại ở công văn, giấy tờ và chưa có sự chủ động đi tìm nhân tài. “Các doanh nghiệp săn đầu người có cách làm sâu sát hơn. Họ tới tận các trường, quan sát, cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc để đặt hàng cho đầu ra” - ông Phong nêu thực tế.
Ông Tăng Hữu Phong cũng nhắc đến chương trình tuyên dương sinh viên ba tốt (nay là sinh viên năm tốt) của TP.HCM. “Tối hôm trước Thành đoàn TP tuyên dương là ngay sáng hôm sau doanh nghiệp có thư đem đến tận nhà trọ để mời sinh viên” - ông Phong chia sẻ và cho rằng các cơ quan nên thay đổi cách làm, triển khai vừa đồng bộ vừa rộng rãi để các chính sách này đến được với đối tượng cần hướng đến.
Tạo nguồn từ sinh viên hệ tài năng
Đại học Quốc gia TP.HCM đã có chương trình đào tạo học sinh giỏi theo Đề án 01. Hệ thống các trường Đại học Quốc gia cũng đang tuyển sinh viên hệ tài năng.
Từ năm 2020 đến nay, khối Đại học Quốc gia đã tổ chức 40 chương trình đào tạo cho hơn 2.000 sinh viên trúng tuyển theo hệ chính quy, sau đó được tuyển vào hệ tài năng. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên đều được doanh nghiệp đến mời làm việc tại các tập đoàn.
Đại học Quốc gia đã xây dựng đề án với mục tiêu đến năm 2030 thu hút 350 nhà khoa học, chuyên gia về công tác tại các trường thuộc khối Đại học Quốc gia.
*****
Thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực KH&CN
Cuối năm 2023, HĐND TP ban hành Nghị quyết 27 về mức thu nhập để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu thu hút.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương, quyền Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN TP.HCM, cho biết sở đã tiếp nhận 12 đề xuất thu hút chuyên gia, nhà khoa học của ba đơn vị là Trung tâm Chuyển đổi số TP, UBND TP Thủ Đức và Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao.
Song song đó, HĐND TP.HCM cũng ban hành Nghị quyết 19 liên quan tiêu chí, đối tượng cũng như các chính sách ưu đãi, phúc lợi với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Nghị quyết này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội, áp dụng với các chức danh tổ chức KH&CN công lập do UBND TP.HCM thành lập với nhiều chính sách vượt trội.
Người đứng đầu của tổ chức KHCN được trả lương tháng theo các mức 60 triệu, 80 triệu, 100 triệu và 120 triệu. Cấp phó của người đứng đầu tổ chức KHCN được trả lương tháng theo các mức 50 triệu, 65 triệu, 85 triệu và 100 triệu…
Với cơ chế này, Sở KH&CN TP.HCM đã triển khai thực hiện “Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”. Đến nay, sở tiếp nhận 10 hồ sơ đăng ký với kinh phí hơn 700 tỉ đồng. Trong đó có ba hồ sơ đủ điều kiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM.
Qua xem xét, hội đồng tư vấn đánh giá có ba hồ sơ đạt, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trung tâm Nghiên cứu khai, Khu công nghệ cao TP.HCM; Viện Công nghệ Nano - ĐH Quốc gia TP.HCM.