Ngành y tế chútrọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng

Với sứ mệnh bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao là yêu cầu cấp thiết, nhất là khi nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng. Những năm qua, ngành Y tế Quảng Trị không ngừng nỗ lực trong việc nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Các chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh -Ảnh: H.L

Các chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh -Ảnh: H.L

Hiện nay, ngành y tế tỉnh có hơn 3.600 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó 74% được đào tạo chuyên sâu về y dược. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, ngành y tế đã chú trọng triển khai nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2022-2026, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo 130 nhân sự có trình độ sau đại học (tương đương 12% tổng số công chức, viên chức). Với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành nên dự kiến mục tiêu này sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Các hoạt động đào tạo chuyên sâu, nhất là trong lĩnh vực y dược thông qua các hội nghị, chương trình thường xuyên được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng đào tạo y khoa. Đặc biệt, ngành Y tế Quảng Trị đã chủ động kết nối với các trường cao đẳng, đại học khu vực Đông Nam Á để trao đổi kinh nghiệm và tiến bộ trong lĩnh vực khoa học y tế như: Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ I năm 2024 với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo y - dược trong các trường cao đẳng và đại học khu vực ASEAN” .

Phối hợp với Trường Đại học Y Dược Huế mở lớp đào tạo liên thông từ y sĩ lên bác sĩ, đồng thời cử hàng trăm lượt cán bộ đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, đào tạo các gói kỹ thuật mũi nhọn cho cán bộ y tế thông qua Đề án 1816; Đề án 6785 và các dự án về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng... Nhờ vậy, đến năm 2024, tỉ lệ bác sĩ trên mỗi vạn dân đạt 11,3 bác sĩ, vượt chỉ tiêu đặt ra trong năm 2025 và tiếp tục hướng tới mục tiêu 12 bác sĩ/ vạn dân vào năm 2030.

Giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tăng cường đào tạo, phát triển nhân lực y tế đủ về số lượng, phù hợp về chủng loại, ngành Y tế Quảng Trị không ngừng nâng cao chất lượng, đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị và toàn ngành.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành y tế luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành liên quan, trong đó có lĩnh vực về quản lý nhân lực nói chung và nhân lực y tế nói riêng .

Những chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài đã được triển khai thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển mạnh mẽ, điển hình như: Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chính sách thu hút đãi ngộ, đào tạo viên chức y tế giai đoạn 2022 - 2026, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết về phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế công lập, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến 2030...

Cùng với công tác đào tạo nguồn nhân lực, toàn ngành cũng đã chú trọng đầu tư, mua sắm các trang thiết bị y tế mới, hiện đại nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên y tế; nhiều trung tâm y tế, trạm y tế được đầu tư cải tạo, xây mới, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Mặc dù những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách và tạo ra những thay đổi tích cực trong việc tăng số lượng nguồn nhân lực y tế nhưng trên thực tế, vấn đề này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, nhất là trong việc thu hút, tuyển dụng các bác sĩ về tuyến y tế cơ sở công tác.

Hiện nay, ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh hàng năm tuyển dụng được khoảng 20 - 25 bác sĩ đa khoa về làm việc (không thuộc diện thu hút), thì hầu hết các đơn vị sự nghiệp y tế khác, đặc biệt là các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc.

Nguyên nhân chính là do không đáp ứng được điều kiện như cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị y tế còn thiếu, chính sách thu hút chưa hấp dẫn, mức lương và phụ cấp của y tế công lập thấp hơn so với y tế tư nhân. Một bác sĩ đa khoa mới tuyển dụng chỉ có mức lương từ 6,5 triệu đồng (so với y tế tư nhân khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng) nên mức thu nhập chưa bảo đảm ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo bác sĩ hệ liên thông từ y sĩ trung học đã dừng lại từ năm 2017 theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các cơ sở y tế tuyến xã, nhất là trong bối cảnh các bác sĩ tuyến xã được đào tạo trong giai đoạn trước đã đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Để có nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng cao, thời gian tới chúng tôi tiếp tục thực hiện một số giải pháp mang tính đồng bộ như vừa đào tạo, thu hút, đãi ngộ, vừa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại.

Tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện các chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực y tế một cách thỏa đáng.

Ngoài ra, vấn đề cải cách tiền lương, tăng thu nhập cho cán bộ y tế công cũng là giải pháp bền vững để hạn chế trình trạng biến động nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn”.

Hoàng Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nganh-y-te-chutrong-dao-tao-nguon-nhan-luc-co-chat-luong-190401.htm
Zalo