TP.HCM nan giải bài toán thiếu đất tái định cư
Khan hiếm quỹ đất ở, tái định cư gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, gia tăng áp lực xã hội và quá trình phát triển đô thị bền vững.
TP.HCM đang đối mặt với một thực trạng thiếu hụt quỹ đất ở, nhà ở để bố trí tái định cư. Vấn đề này không chỉ gây khó khăn cho việc triển khai các dự án trọng điểm, mà còn tác động trực tiếp đến đời sống của người dân bị thu hồi đất.
Hệ lụy từ việc thiếu hụt quỹ đất tái định cư
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (TN&MT), nhiều quận, huyện đang trong tình trạng thiếu hụt quỹ đất ở, nhà ở tái định cư nghiêm trọng, buộc phải sử dụng quỹ đất từ các địa phương khác để bố trí cho người dân. Điển hình là huyện Nhà Bè phải sử dụng quỹ đất ở quận 7 để bố trí tái định cư, hay quận 1 phải “mượn” quỹ đất của quận 2, quận 4, quận 8
Tình trạng thiếu đất tái định cư gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Trước hết tình trạng này cản trở tiến độ dự án: Việc thiếu đất tái định cư khiến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện. Nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án cải tạo kênh rạch, chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng giao thông bị chậm trễ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Điển hình là dự án rạch Xuyên Tâm phải bố trí tái định cư cho người dân ở 16 khu đất, nhà ở rải rác ở các quận Bình Thạnh, quận 10, quận 12, TP Thủ Đức. Hay dự án cải tạo rạch Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên cũng gặp khó khăn trong việc bố trí tái định cư cho gần 4.000 hộ dân.
Ngoài ra,Việc di dời đến nơi ở mới, xa nơi cư trú cũ, có thể khiến người dân gặp khó khăn trong việc ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục. Nhiều người dân phải sống trong cảnh chen chúc, thiếu thốn tiện nghi, môi trường sống ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần.
Việc thiếu đất tái định cư, chậm trễ trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều mâu thuẫn, tranh chấp giữa người dân với chính quyền, chủ đầu tư dự án. Nhiều trường hợp người dân không đồng ý di dời, cản trở thi công dự án, gây mất an ninh trật tự.
Việc các dự án bị chậm trễ do thiếu đất tái định cư dẫn đến lãng phí nguồn lực, kéo dài thời gian thu hồi vốn, làm giảm hiệu quả đầu tư công.
Quỹ đất hạn hẹp, tốc độ đô thị hóa nhanh
Theo Sở TN&MT, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do quỹ đất ở TP.HCM ngày càng hạn hẹp, trong khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dân số cơ học tăng cao. Nhu cầu về đất ở, đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngày càng lớn, gây áp lực lên quỹ đất hiện có.
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng đất chưa thực sự hiệu quả. Nhiều khu đất công bị bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích, đất xen cài trong khu dân cư chưa được khai thác hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Việc thiếu vắng các cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng.
Cũng theo Sở TN&MT, giá đất tăng cao cũng khiến việc thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, gây áp lực lên ngân sách thành phố khi phải bố trí quỹ đất tái định cư. Thêm vào đó, quy trình thủ tục hành chính liên quan đến việc bố trí tái định cư còn phức tạp, nhiều thủ tục chồng chéo, gây khó khăn cho cả người dân và cơ quan chức năng.
Để tháo gỡ khó khăn, Sở TN&MT kiến nghị Chủ tịch UBND TP có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tập trung rà soát, kiểm kê, tận dụng tối đa quỹ đất công, đất trống, đất sử dụng không hiệu quả, đất xen cài trong khu dân cư để xây dựng nhà ở tái định cư. Khai thác quỹ đất dọc các tuyến giao thông công cộng, khu vực ven đô để xây dựng các khu tái định cư tập trung, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.