TP.HCM 'giữ lửa' tăng trưởng, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp

Dù chịu tác động từ việc Mỹ áp thuế 46%, TP.HCM vẫn giữ nguyên kịch bản, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025. Khẳng định này được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đưa ra với cộng đồng doanh nghiệp thành phố, đồng thời cam kết theo dõi sát tình hình và có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Chủ động tìm hướng đi riêng

Theo Sở Công Thương TP.HCM, giai đoạn 2016-2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt, may của TP.HCM sang thị trường Mỹ trên 57,4 tỷ USD, riêng năm 2024, với mức tăng trưởng ấn tượng gần 24,3%, đạt mức 7,4 tỷ USD

Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ trên 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, đây cũng là điều khiến nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM không khỏi lo lắng trước động thái áp thuế.

Nếu Mỹ áp thuế quá cao với hàng dệt may Việt Nam thì khách hàng ở Mỹ có thể dịch chuyển mua hàng ở nơi khác

Nếu Mỹ áp thuế quá cao với hàng dệt may Việt Nam thì khách hàng ở Mỹ có thể dịch chuyển mua hàng ở nơi khác

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt May thêu đan TP.HCM cho biết, mức thuế 46% mà Mỹ áp đặt lên hàng xuất khẩu của Việt Nam cao gấp nhiều lần so với biên lợi nhuận trung bình của ngành (5-12%).

Điều này có nguy cơ khiến khách hàng chuyển đơn hàng sang các quốc gia có ưu đãi hơn như: Bangladesh, Mexico, Ấn Độ.

Việc áp thuế đột ngột gây ra cú sốc lớn cho doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp của ông Việt đang có 23 container hàng dệt may bị ách tắc tại cảng do không kịp giao trước thời hạn 9/4.

Một vấn đề đáng lo ngại là, ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu hơn 40% nguyên liệu từ Trung Quốc, bao gồm vải dệt kim, vải denim, sợi kỹ thuật cao... Nếu Mỹ mở rộng kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu theo hướng "từ bông - sợi trở đi", thì các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có thể bị áp thuế tương tự hàng Trung Quốc.

Hiện, chỉ khoảng 15-20% doanh nghiệp có khả năng truy xuất nguồn gốc đầy đủ, phần lớn còn lại có nguy cơ bị quy là "né thuế".

Trước tình hình này, ông Phạm Văn Việt kiến nghị, thành lập Tổ điều phối liên ngành cấp Chính phủ cho ngành dệt may, tương tự như tổ công tác đặc biệt thời Covid-19, để chủ động ứng phó với mọi kịch bản phòng vệ thương mại.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ có chính sách cho hoãn, giãn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn nợ ngân hàng đối với doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng. Doanh nghiệp phải mất 3-6 tháng tìm thị trường khác thì xin giãn, hoãn thực hiện các nghĩa vụ thuế, nợ ngân hàng trong thời gian này. Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu, hoặc đổi mới công nghệ", ông Việt nói.

Trong bối cảnh nguy cơ thuế cao từ Mỹ, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Secoin - chuyên sản xuất vật liệu xây dựng trang trí với 50% sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó bằng cách bán hàng trực tiếp để giảm chi phí trung gian.

Theo ông, kênh bán hàng truyền thống với nhiều khâu trung gian đã đẩy giá thành lên cao, không còn phù hợp. Doanh nghiệp của ông đã áp dụng mô hình phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng khi xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản trước đây, và nhận thấy hiệu quả.

Nếu Mỹ áp dụng thuế 46%, doanh nghiệp của ông sẽ đàm phán với đối tác để chia sẻ mức thuế này trong chuỗi cung ứng, theo đó, doanh nghiệp Việt Nam, nhà phân phối và đại lý mỗi bên chịu 1/3 thuế, giúp giá bán đến người tiêu dùng vẫn cạnh tranh.

Ông Đinh Hồng Kỳ cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng doanh nghiệp nước ngoài "đội lốt" hàng Việt Nam xuất khẩu, có thể ảnh hưởng đến việc Mỹ áp thuế cao. Ông đề nghị tăng cường kiểm soát vấn đề này và xem xét hiệu quả thực tế mà doanh nghiệp FDI mang lại.

Ông Đinh Hồng Kỳ kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ riêng cho sản phẩm "made by Việt Nam": “UBND TP.HCM nên phân loại giữa sản phẩm "Made by Việt Nam" và "Made in Việt Nam", sản phẩm thuần Việt. Chúng ta có chính sách ưu tiên cho sản phẩm "Made by Việt Nam" ngay từ bây giờ để có chính sách hỗ trợ cho sản phẩm, nâng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu”.

Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị có chính sách hỗ trợ riêng cho sản phẩm "made by Việt Nam”

Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị có chính sách hỗ trợ riêng cho sản phẩm "made by Việt Nam”

TP.HCM cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Trước những khó khăn hiện tại, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được khẳng định, thành phố vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 và tiếp tục theo dõi sát kết quả đàm phán.

Các sở, ngành sẽ chủ động nắm bắt tình hình hoạt động và "sức khỏe" của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ. Thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn này.

Ông Nguyễn Văn Được cho biết dù sự hỗ trợ này không lớn, nhưng “1 miếng khi đói bằng 1 gói khi no”. Ở giai đoạn này nếu hỗ trợ kịp thời thì sẽ là nguồn động viên rất lớn cho doanh nghiệp. "Việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, lãnh đạo TP sẽ chủ động tái cơ cấu lại chương trình này, TP sẽ trực tiếp kết nối doanh nghiệp, trực tiếp kết với với các hội chợ, triển lãm để làm sao cho việc xúc tiến hiệu quả nhất", ông nói.

Trước những thách thức hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi cấu trúc sản xuất, tập trung vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, đối với các ngành xuất khẩu có kim ngạch lớn, việc đầu tư vào phát triển nguồn cung nguyên liệu trong nước là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tphcm-giu-lua-tang-truong-cam-ket-ho-tro-doanh-nghiep-post1190852.vov
Zalo