TP HCM được áp dụng các cơ chế đặc thù khi làm đường sắt đô thị

Quốc hội đã quyết nghị cho phép Hà Nội và TP HCM thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển đường sắt đô thị

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP HCM đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại phiên làm việc sáng nay 19-2.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết sáng 19-2. Ảnh: Phạm Thắng

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết sáng 19-2. Ảnh: Phạm Thắng

Theo đó, Quốc hội đã quyết nghị các cơ chế, chính sách đặc thù về huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư; Về trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; Về phát triển đô thị theo mô hình TOD; Về phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; Về chính sách về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải và các quy định áp dụng riêng cho TP HCM.

Về trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường sắt đô thị, Quốc hội cho phép được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.

Quốc hội quyết nghị cho phép UBND TP có thẩm quyền tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư và quyết định điều chỉnh dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD theo trình tự, thủ tục tương tự như dự án nhóm A do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan;

Cùng với đó, được quyết định việc phân chia dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi quyết định đầu tư. Việc phân chia dự án thành phần, tiểu dự án không phải áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD trong trường hợp không làm tăng tổng mức đầu tư thì không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án;

UBND TP được quyết định việc áp dụng các hình thức chỉ định thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, phi tư vấn, thi công; nhà thầu EPC, chìa khóa trao tay; nhà đầu tư các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điều 9 của nghị quyết cũng đã nêu rõ các quy định áp dụng riêng cho TP HCM. Theo đó, trong khu vực TOD, UBND TP HCM được thu và sử dụng 100% đối với các khoản thu để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

HĐND TP HCM được quy định chi tiết phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc thu tiền đối với các khoản thu, bảo đảm không trùng thu với các loại thuế, phí khác.

UBND TP HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại và các hình thức huy động vốn hợp pháp khác với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp, trường hợp vượt quá 120% thì Quốc hội xem xét, điều chỉnh tăng mức dư nợ vay phù hợp theo nhu cầu thực tế của TP.

UBND TP HCM tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường trước khi dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD vận hành thử nghiệm (nếu dự án thuộc đối tượng thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường), đăng ký môi trường (nếu dự án không thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường).

Minh Chiến - Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-duoc-ap-dung-cac-co-che-dac-thu-khi-lam-duong-sat-do-thi-196250219090558694.htm
Zalo