TP.HCM dự kiến khởi công đồng loạt sáu tuyến metro vào năm 2028

Nếu đến cuối năm 2025 mà có được cơ chế do Quốc hội ban hành thì giai đoạn 2026 – 2027, Thành phố sẽ triển khai chuẩn bị đầu tư gồm điều chỉnh quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu... để đến cuối năm 2027 đầu năm 2028 sẽ khởi công đồng loạt 6 tuyến metro...

TP.HCM tính hởi công đồng loạt 6 tuyến metro vào năm 2028. Ảnh: Anh Tú.

TP.HCM tính hởi công đồng loạt 6 tuyến metro vào năm 2028. Ảnh: Anh Tú.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đã báo cáo với Hội đồng nhân dân Thành phố về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM (Đề án metro) theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, tại kỳ họp thứ 17, khóa X Hội đồng nhân dân TP.HCM vừa qua.

Theo Đề án metro do Ủy ban nhân dân TP.HCM trình Hội đồng nhân dân Thành phố trước đó, thì chính quyền Thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến gồm các tuyến số 1, 2, 3, 4, 5 và 6 với tổng chiều dài 183 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn này vào khoảng 837.000 tỷ đồng (tương đương 34,9 tỷ USD), chưa tính vốn đầu tư metro số 1 sắp đưa vào khai thác thương mại.

Hai tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên (sắp hoàn thành) và số 2 Bến Thành – Tham Lương (đang thi công) theo đề án là sẽ kéo dài thêm khoảng 30 km so với quy hoạch ban đầu. Cụ thể, tuyến số 1 dài 19,7 km từ chợ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (Thủ Đức) sẽ được kéo dài thêm gần 21 km từ Bến Thành về An Hạ (huyện Bình Chánh), nâng chiều dài toàn tuyến lên 40,8 km. Tuyến số 2 dài hơn 11 km từ ga Bến Thành đi depot Tham Lương (quận 12) sẽ được đầu tư thêm hai đoạn dài 9,1 km là Bến Thành – Thủ Thiêm và Tham Lương – bến xe An Sương, nâng tổng chiều dài toàn tuyến lên 20,2 km.

Cùng với 2 tuyến số 1 và số 2, đến năm 2035 Thành phố sẽ đầu tư hoàn thành 4 tuyến khác, là: Tuyến số 3 (Hiệp Bình Phước - vòng xoay Dân Chủ - Tân Kiên - An Hạ) dài 29,5 km; tuyến số 4 (Depot Đông Thạnh - Bến Thành - ga Bà Chiêm đường Vành đai 3) dài 36,8 km; tuyến số 4 (ga Võ Chí Công đường Vành đai 2 – ngã tư Bảy Hiền - depot Đa Phước) dài 32,5 km; và tuyến số 6 (Bà Quẹo - sân bay Tân Sơn Nhất - Bình Triệu - Phú Hữu) dài 22,8 km. Về nguồn vốn, theo đề án, trong cơ cấu nguồn vốn huy động xây dựng các tuyến metro không có vốn vay ODA, chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước (trung ương và thành phố) và trái phiếu địa phương.

Theo ông Trần Quang Lâm, sau quá trình khẩn trương xây dựng đề án, trình Ủy ban nhân dân Thành phố để Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố, Sở Giao thông vận tải đã có báo cáo chi tiết về cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý, đặc biệt là sản phẩm đầu ra của đề án. Đó là các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù cùng các nghị định của Chính phủ để triển khai thực hiện đề án…

Có 6 nhóm cơ chế để thực hiện đề án metro gồm quy hoạch; bồi thường, giải tỏa, tái định cư; vốn; trình tự tổ chức thực hiện; tiêu chuẩn kỹ thuật; vận hành khai thác. Ông Lâm cũng cho biết, theo quy hoạch hiện nay, Thành phố có 8 tuyến metro với tổn chiều dài 173 km; nhưng trong đề án phát triển metro đến năm 2060 thì số tuyến tăng lên là 12 với tổng chiều dài 510 km.

Về phân cấp, phân quyền, các dự án đường sắt đô thị có vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng thì thuộc nhóm quan trọng cấp quốc gia do thẩm quyền Quốc hội. Vì vậy, theo ông Lâm, TP.HCM cũng đã nghiên cứu và đề xuất cơ chế phân cấp, phân quyền về Thành phố. Theo đó, các dự án khi thông qua chủ đầu tư sẽ được đưa vào các dự án nhóm A do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư, sau đó Thành phố sẽ quyết định phê duyệt dự án tương tự như các dự án nhóm A đang thực hiện.

Về tiến độ triển khai đề án, sau khi hoàn chỉnh đề án metro, Bộ Giao thông vận tải đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành để cùng Thành phố Hà Nội tổng hợp báo cáo trình Chính phủ, báo cáo và xin ý kiến Bộ Chính trị thì dự kiến đến cuối năm nay sẽ trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách thực hiện. Sau khi có cơ chế, Thành phố sẽ triển khai thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2026 – 2027 để đến đầu năm 2028 sẽ khởi công đồng loạt 6 tuyến metro nói trên.

Cũng theo đề án metro, ngoài các nguồn vốn huy động nói trên (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn tăng thu ngân sách thành phố, nguồn tăng tỷ lệ thành phố được hưởng theo phân cấp, vốn trái phiếu,…), TP.HCM cũng sẽ huy động vốn từ các nguồn vay, nguồn thu quyền sử dụng đất, nguồn thu từ phát triển đô thị theo định hướng TOD (Transit Oriented Development - mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, nhằm mục đích giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường), kiều hối... Các tuyến metro cũng tạo ra cơ hội để phát triển TOD, tăng giá trị quỹ đất xung quanh các nhà ga; phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.

Thiên Ân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-du-kien-khoi-cong-dong-loat-sau-tuyen-metro-vao-nam-2028.htm
Zalo