TP.HCM có nhiều dư địa tạo tín chỉ carbon giao thông
TP.HCM có lượng phương tiện lưu thông lớn, phát thải cao, nên thành phố có nhiều dư địa để tạo tín chỉ carbon giao thông.
Tín chỉ carbon là loại giấy phép/chứng chỉ có thể giao dịch, mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2, hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính. Đây là loại tín chỉ đang được cộng đồng, doanh nghiệp, người dân rất quan tâm.
Tính đến cuối năm 2023, TP.HCM đang có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông với hơn 7,6 triệu xe máy, hơn 700.000 xe ô tô và khoảng 2 triệu phương tiện tham gia giao thông từ các địa phương khác đến thành phố. Lượng phương tiện lớn lại chủ yếu là sử dụng nhiên liệu hóa thạch nên phát thải cao.
Theo Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành phố có nhiều tiềm năng để chuyển đổi xanh. Trong 35 triệu tấn carbon phát thải hàng năm thì khoảng 40% đến từ các phương tiện giao thông. Do đó, khi 2.600 chiếc xe buýt của thành phố được thay thế bằng xe điện, xe máy của các shipper được thay bằng xe điện, và các tuyến Metro được đưa vào phục vụ thì lượng phát thải sẽ giảm rất đáng kể.
TP.HCM đang nghiên cứu khả năng tạo tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải trong giao thông. Điển hình như chuyển đổi các phương tiện công cộng sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang chạy điện.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, thành phố có thể sẽ có thêm 7 tuyến Metro. Việc người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và sử dụng phương tiện công cộng thân thiện môi trường sẽ giúp TP.HCM có dư địa rất lớn để bán tín chỉ carbon.
Ông Lê Thành Long, chuyên gia giao thông tại TP.HCM chia sẻ, tạo tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải trong giao thông là định hướng kịp thời và phù hợp của TP.HCM. Đây thực chất là việc giảm ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra. Điều này giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo ông Long, cần quan tâm đến yếu tố lợi ích mà tín chỉ carbon mang lại cũng như các chính sách thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện xanh, nâng cao tiêu chuẩn phát thải. Thành phố cần có thêm nhiều chương trình tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng điện, khuyến khích người dân lựa chọn xe điện khi tham gia giao thông.
“TP.HCM đang quá ô nhiễm nên rất cần các biện pháp quyết liệt từ nhà chức trách. Chúng ta cần đi đầu để kiến tạo một thành phố Net Zero với phương tiện chủ đạo là xe điện, không phát thải. Thành phố cần sự đột phá và thực hiện với trách nhiệm cao thì việc tiến tới Net Zero là khả thi”, ông Long nói.
Trong thập kỷ tới, mạng lưới Metro ở TP.HCM được đưa vào sử dụng hoàn chỉnh, thuận tiện thì người dân sẽ giảm mạnh việc sử dụng xe máy. Điều này cũng sẽ kéo giảm lượng phát thải, thúc đẩy việc tạo tín chỉ carbon.
Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật trong việc tạo tín chỉ carbon là không hề nhỏ, bởi Việt Nam chưa có tham chiếu cơ sở về phát thải giao thông. Trong khi, tín chỉ carbon cần có tham chiếu cơ sở, tức là phải tính được lượng phát thải đã giảm được sau khi chuyển đổi xanh. Do đó, cần phải có những báo cáo, đo đếm đầy đủ theo tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực giao thông.
Theo ông Long, dù việc bán tín chỉ carbon giao thông là khả thi thì cũng chỉ nên xem đây là “vốn mồi” để chuyển đổi xanh, không nên quá kỳ vọng vào việc kiếm tiền từ hoạt động này. Lý do, việc bán tín chỉ carbon thường có ý nghĩa tuyên truyền vì số tiền thu được không quá lớn.
Điển hình như việc mỗi năm TP.HCM chi cả nghìn tỷ đồng trợ giá cho xe buýt, trong khi đó số tiền dự kiến thu được từ bán tín chỉ carbon là khá ít. Cụ thể, năm 2022 thành phố chi 1.526 tỷ đồng cho xe buýt, năm 2023 trợ giá 1.556 tỷ đồng và năm 2024 dự kiến trợ giá 1.621 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu chuyển đổi 2.600 chiếc xe buýt sang xe điện thì thành phố có thể thu về khoảng 17,5 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon. Số tiền này chỉ bằng 1% số ngân sách đang bỏ ra.
Vì vậy, các chuyên gia giao thông khuyến cáo, chỉ nên xem tín chỉ carbon là yếu tố động lực phát triển xanh, kéo giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết.
Còn theo TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98, TP.HCM cần có đề án tổng thể, rộng hơn về chuyển đổi xanh giao thông vận tải theo lộ trình đến 2035, bao gồm việc tạo tín chỉ carbon. Phải đầu tư vào dự án này để tạo ra tín chỉ carbon, dùng nó như một quỹ mới trợ cấp thay vì tiền cho doanh nghiệp sản xuất xanh.
Theo ông Lịch, đề án cần 8 giải pháp, với nhiều đầu việc mà địa phương có thể chủ động như phát triển hệ thống metro, các loại phương tiện không dùng nhiên liệu hóa thạch; tối ưu hóa hệ thống giao thông, xây dựng quản lý thông minh để hạn chế ùn tắc nhằm giảm nhiên liệu tiêu thụ; khuyến khích đi xe đạp, đi bộ.
Chuyên gia này cho rằng, ở tầm quốc gia thì cần có các chính sách hỗ trợ như giảm thuế và trợ giá cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu đãi phát triển hạ tầng trạm sạc điện... Nhà chức trách cũng cần có quy định nghiêm ngặt về tiêu chí và tiêu chuẩn sản xuất phương tiện giao thông, nhằm nâng cao chất lượng, giảm phát thải.