TP.HCM: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng cao

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7.2024 tăng 3,45% so với cùng kỳ. Bình quân 7 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,29%, trong đó có 10/11 nhóm có chỉ số giá tăng và tăng cao nhất là nhóm thuốc, dịch vụ y tế với mức tăng 7,78%, kế đến là nhóm giáo dục tăng 7,48%.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP trong tháng 7 tăng 0,23% so với tháng trước. Trong đó, có 7/11 nhóm tăng với mức tăng cao nhất là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.

Trong tháng 7.2024, hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm có chỉ số giá tiêu dùng tăng - Ảnh: PV

Trong tháng 7.2024, hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm có chỉ số giá tiêu dùng tăng - Ảnh: PV

Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%, tác động CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 0,35%, thực phẩm tăng 0,10% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,08%. Ở nhóm lương thực, chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,32%, giá bột mì và ngũ cốc khác tăng 1,15%, lương thực chế biến tăng 0,20%. Trong khi đó, ở nhóm thực phẩm, thịt gia súc tăng 0,77%, giá trứng các loại tăng 2,10%, giá thủy sản chế biến tăng 0,14%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,10%, trong đó, giá quần áo may sẵn tăng 0,13%, may mặc khác và mũ nón tăng 0,12%, giầy, dép tăng 0,04%, dịch vụ may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,07%.

Nhóm giao thông tăng 1,60%, làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xăng tăng 3,81% từ ảnh hưởng của 03 lần điều chỉnh giá bán xăng dầu trong tháng 7 (ngày 04/7, ngày 11/7 và ngày 18/7). Một số mặt hàng giảm giá như phương tiện đi lại giảm 0,44% do việc điều chỉnh giá bán của các dòng xe ô tô, phụ tùng giảm 0,06%.

Riêng nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,10% và văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%, Phân tích Cục thống kê cho thấy, sở dĩ CPI nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm là do chủ yếu do giá nước sinh hoạt giảm 0,68%, giá điện sinh hoạt giảm 1,39% do nhu cầu tiêu thụ giảm. Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng tăng giá như nhà ở thuê tăng 0,15%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,52%.

Ở nhóm ngành văn hóa, giải trí và du lịch giảm là do giá hoa, cây cảnh, vật cảnh giảm 0,36% sau tết Đoan Ngọ, giá du lịch trọn gói giảm 0,45% do các chương trình khuyến mãi du lịch hè.

Do CPI tháng 7 tăng so với tháng trước đã đẩy CPI của tháng 7 tăng đến 3,45% so với cùng kỳ. Như vậy, bình quân 7 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,29%, trong đó, 10/11 nhóm có chỉ số giá tăng và tăng cao nhất là nhóm thuốc, dịch vụ y tế với mức tăng 7,78%, kế đến là nhóm giáo dục tăng 7,48%.

Cũng theo Cục thống kê TP, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 7 năm 2024 ước đạt 48.487 tỷ đồng, chiếm 47,2% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 13,0% so với cùng kỳ.

Hầu hết các nhóm mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ, trong đó các nhóm mặt hàng có mức tăng cao như nhóm lương thực, thực phẩm tăng 16,5%; nhóm ô tô các loại tăng 42,2%; nhóm sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, xe có động cơ khác tăng 19,3% và nhóm hàng hóa khác tăng 20,5%.

Như vậy, trong 7 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 315.927 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng như nhóm lương thực, thực phẩm chiếm 31,3%, tăng 10,6% so với cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình chiếm 23,9%, tăng 13,2%; nhóm hàng hóa khác chiếm 9,6%, tăng 13,9%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm chiếm 8,5%, tăng 25,1%.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-chi-so-gia-tieu-dung-thang-7-tang-cao-222250.html
Zalo