Bất động sản Trung Quốc nguyên nỗi lo… bất động
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc hiện đã bước sang năm thứ tư vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Lĩnh vực bất động sản tiếp tục kéo lùi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với tác động tiêu cực lan tỏa sang mọi thứ từ thị trường việc làm đến tiêu dùng và tài sản hộ gia đình. Đây là nguyên nhân chính khiến ngân hàng Thụy Sĩ UBS hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024 từ 4,9% xuống 4,6% và năm 2025 hạ từ 4,6% xuống 4%. Triển vọng ngành bất động sản Trung Quốc cũng bị hạ xuống và được dự báo chỉ có thể bắt đầu thoát đáy vào giữa năm 2026.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng chính sách cho thị trường bất động sản từ cuối năm 2022, bao gồm giảm yêu cầu đặt cọc bắt buộc, hạ lãi suất vay thế chấp mua nhà và bỏ một số hạn chế với giao dịch mua nhà, nhưng việc triển khai các chính sách này trong thực tế diễn ra ì ạch.
Không chỉ thế, vào ngày 17/5/2024, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Tao Ling đã thông báo về kế hoạch bơm 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 42,25 tỷ USD) cho các tổ chức tài chính, sau đó cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (SOE) vay để mua các căn hộ đã xây xong nhưng chưa bán được. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Hiểu một cách nôm na, chính quyền Trung Quốc sẽ vào cuộc với tư cách là người mua và cũng là phương sách cuối cùng sau khi thử nghiệm nhiều phương án khác.
Song, theo ghi nhận, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ 4% trong tổng số 42 tỷ USD của chương trình hồi sinh lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc được sử dụng kể từ khi được công bố. Con số trên phản ánh thực trạng, trong tổng số 80 thành phố được lên kế hoạch mua lại các căn hộ chưa bán được, chỉ một vài thành phố thực sự đã hành động và với số lượng dưới 10.000 căn hộ.
Các nhà phân tích ước tính, sẽ cần khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 277 tỷ USD) để giải quyết 10% lượng cung dư thừa nhà ở nhằm ổn định giá cả.
Ở diễn biến khác, nhiều địa phương tại Trung Quốc còn đang tụt hậu trong kế hoạch phát hành nợ khi việc giám sát các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng có khả năng lãng phí ngày càng tăng, dẫn đến các suy đoán về khả năng các quỹ này có thể được chuyển hướng sử dụng sang lĩnh vực khác nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Ông Jack Yuan, nhà phân tích cấp cao tại Moody's Ratings cho biết: “Rất khó để tìm ra các dự án có lợi nhuận trong ngắn hạn. Do đó, nhiều địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc cố gắng đạt được mục tiêu tăng trưởng khi thiếu đầu tư lớn hơn từ nhà nước”.
Vị chuyên gia này kỳ vọng, phát hành nợ (debt issuance, một công cụ nhằm huy động vốn) sẽ tăng lên trong những tháng tới khi chính quyền ưu tiên đạt mục tiêu tăng trưởng. Điều này đòi hỏi chính phủ phải chấp thuận các cách thức mới để các thành phố và tỉnh chi tiêu quỹ, vốn thường được sử dụng cho giao thông, nước, năng lượng, cảnh quan đô thị và các cơ sở hạ tầng khác.
Các nhà phân tích cho rằng, các lĩnh vực mới có thể bao gồm mua các căn hộ trống cho nhà ở xã hội hoặc mua lại đất ở chưa phát triển. Những động thái như vậy sẽ bơm tiền vào lĩnh vực bất động sản đang khủng hoảng, cung cấp thêm giải pháp cho các nhà phát triển để tiếp tục hoặc đẩy nhanh việc xây dựng các dự án nhà ở bị chậm tiến độ và cải thiện niềm tin của người mua nhà.
Tờ báo kinh tế Trung Quốc Economic Observer đưa tin vào tháng 6 rằng, Bộ Tài nguyên đã đề xuất chính quyền địa phương sử dụng trái phiếu đặc biệt để mua lại đất bỏ hoang. Ngoài ra, các cơ quan tài chính của Trung Quốc đang đề xuất giảm lãi suất thế chấp hiện có trên toàn quốc với tổng mức giảm khoảng 80 điểm cơ bản, đối với khoảng 5.300 tỷ USD dư nợ, để giảm chi phí vay cho hàng triệu gia đình.
Kế hoạch này chưa được hoàn tất và còn chờ sự phê duyệt của các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, chương trình này có thể sẽ áp dụng cho cả ngôi nhà thứ nhất và ngôi nhà thứ hai. Đây là một động thái quan trọng, cho thấy quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc trong việc hỗ trợ thị trường bất động sản vốn đang gặp khó khăn.
Việc cắt giảm lãi suất theo từng giai đoạn có thể giúp giảm bớt cú sốc cho các bên cho vay, vốn đang phải vật lộn với thu nhập sụt giảm khi Bắc Kinh yêu cầu họ hỗ trợ phục hồi nền kinh tế đang suy yếu bằng các khoản vay lãi suất thấp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, bao gồm cả các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn về tài chính.