TP.HCM cần 40,2 tỷ USD để xây dựng 355km metro trong 10 năm tới
Trong 10 năm tới, TP.HCM dự kiến sẽ đầu tư 355km đường sắt đô thị với tổng nguồn vốn lên tới 40,2 tỷ USD. Hệ thống metro được kỳ vọng là đòn bẩy chiến lược để Thành phố bứt phá về hạ tầng, không gian đô thị và năng lực cạnh tranh.
UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội, văn bản mang tính bước ngoặt, cho phép thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP.HCM.
Trên nền tảng nghị quyết này, Thành phố được phép huy động đa dạng nguồn lực: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, phát hành trái phiếu, và đặc biệt là nguồn thu từ phát triển đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng). Mục tiêu cụ thể là hoàn thiện 355km metro trong vòng 10 năm, một tham vọng chưa từng có tiền lệ.

Theo Kế hoạch triển khai của UBND Thành phố, việc thực hiện Nghị quyết 188 sẽ được tổ chức đồng bộ, có lộ trình rõ ràng, với yêu cầu cao về tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
Các nội dung trọng tâm bao gồm: Xây dựng văn bản quy phạm cụ thể hóa chính sách; huy động và phân bổ nguồn vốn; chuẩn bị và triển khai các dự án; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; xử lý vật liệu xây dựng và quy hoạch bãi đổ thải. Trong đó, phát triển đô thị theo mô hình TOD được xem là "chìa khóa" để tạo ra giá trị gia tăng bền vững, hài hòa giữa giao thông và đô thị.
UBND TP.HCM giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương liên quan. Sở Tư pháp chủ trì hướng dẫn trình tự, thủ tục pháp lý; Sở Giao thông công chánh chịu trách nhiệm xây dựng đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho hệ thống metro; Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải (Samco) được giao nghiên cứu phát triển công nghiệp đường sắt, tái cơ cấu mô hình quản lý và bảo trì hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Với tổng mức đầu tư 40,2 tỷ USD, trung bình mỗi năm TP.HCM phải giải ngân khoảng 4 tỷ USD, một con số đặt ra áp lực rất lớn về năng lực triển khai, hấp thụ vốn và điều phối các dự án.
Vì vậy, ngay trong năm 2025, UBND TP.HCM yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị - đơn vị chủ đầu tư, phải tổ chức lại mô hình quản lý đầu tư, phát triển metro theo hướng tinh gọn, hiệu quả và thích ứng với không gian đô thị trong giai đoạn mới. Cùng lúc đó, các địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua phải khẩn trương bố trí nhân sự, tổ chức bộ máy để triển khai thực hiện kế hoạch.
Đặc biệt, việc cụ thể hóa các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 188 sẽ được thực hiện đồng thời ở cấp Chính phủ và Hội đồng Nhân dân Thành phố, bảo đảm hành lang pháp lý thông suốt, kịp thời.

Tham vọng phát triển hệ thống metro của TP.HCM không chỉ là câu chuyện hạ tầng giao thông, mà còn là bước đi chiến lược trong tái cấu trúc đô thị, thúc đẩy kinh tế xanh và nâng cao chất lượng sống.
Với mô hình TOD, các khu vực quanh nhà ga metro sẽ trở thành những cực tăng trưởng mới, nơi giao thoa giữa giao thông công cộng hiệu quả và không gian sống chất lượng cao. Đồng thời, công nghiệp đường sắt, lĩnh vực vốn đang rất hạn chế tại Việt Nam, sẽ được đầu tư mạnh, hướng tới làm chủ công nghệ, sản xuất trong nước.
Nghị quyết 188/2025/QH15 mở ra một “cơ hội vàng” để TP.HCM giải bài toán hạ tầng kéo dài nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, từ nghị quyết đến thực tế vẫn còn là hành trình đầy thử thách. Điều cần thiết lúc này không chỉ là nguồn vốn, mà còn là quyết tâm chính trị, sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành và sự đồng thuận từ cộng đồng dân cư.