Tập đoàn Nhật Bản muốn làm tuyến đường sắt nhẹ 5.200 tỷ ở Bình Dương

Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) vừa trình báo cáo tiền khả thi về dự án đường sắt nhẹ (LRT) Thủ Dầu Một ở Bình Dương, với tổng mức đầu tư dự kiến 5.200 tỷ đồng.

 Các tuyến giao thông huyết mạch của Bình Dương đều dự kiến đi qua vòng xoay A1 ở Thành phố mới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Các tuyến giao thông huyết mạch của Bình Dương đều dự kiến đi qua vòng xoay A1 ở Thành phố mới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tập đoàn dự kiến điểm đầu tuyến LRT đặt tại tòa nhà Becamex trên Đại lộ Bình Dương và điểm cuối ở Vòng xoay Thành phố mới Bình Dương. Toàn tuyến dài 13 km với 10 ga và tổng vốn đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng, theo thông tin từ Báo Bình Dương.

Đại diện Tokyu cho biết trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Bình Dương, tập đoàn đã đề xuất dự án và nhận được sự chấp thuận của Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tài trợ 100 triệu yen để khảo sát và lập quy hoạch tổng thể phát triển vùng tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh.

Dự án không chỉ tập trung vào hệ thống giao thông LRT mà còn nghiên cứu về khu công nghiệp xanh, kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo và thành phố thông minh theo mô hình TOD tại Bình Dương.

Theo đó, Tokyu đề xuất đầu tư 3 tuyến đường sắt, gồm các tuyến metro số 1 và số 2 của Bình Dương cùng tuyến LRT nói trên.

Có 2 phương án triển khai được đưa ra. Một là phát triển riêng lẻ 3 tuyến theo chức năng khác nhau. Hai là tích hợp tuyến LRT vào metro số 2 để đồng bộ vận hành, đòi hỏi phải có thiết kế phù hợp để đảm bảo khả năng kết nối giữa các tuyến.

Ông Bùi Minh Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng để đánh giá tính khả thi của phương án đề xuất đầu tư này, cần có khảo sát và nghiên cứu cụ thể về dự báo nhu cầu giao thông, khả năng bố trí quỹ đất đầu tư hạ tầng đường sắt theo quy hoạch đã được duyệt, cũng như sự phù hợp về giải pháp công nghệ.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ chuyên gia nghiên cứu của Tập đoàn Tokyu nhằm kịp thời hoàn thiện báo cáo khả thi của dự án để trình UBND tỉnh.

Theo ông Nguyễn Anh Minh, nếu như tuyến metro số 1 hình thành nên mạng lưới kết nối với TP.HCM, Đồng Nai, thì tuyến LRT có vai trò kết nối các khu vực trung tâm của Bình Dương để chuyển tiếp đến các nhà ga chính của tuyến metro. Sự kết hợp giữa LRT và các tuyến xe buýt trung chuyển được kỳ vọng làm giảm áp lực giao thông, đặc biệt tại những khu vực đông dân cư và các khu công nghiệp.

Theo quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này sẽ tập trung đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông, từng bước giải quyết tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường huyết mạch.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/tap-doan-nhat-ban-muon-lam-tuyen-duong-sat-nhe-5200-ty-o-binh-duong-post1542539.html
Zalo