TP.HCM: 'Cái nôi' của những đột phá được nhân rộng cả nước
TP.HCM là cái nôi của quá trình đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Nhiều cách làm táo bạo, đột phá đã được Trung ương luật hóa cho cả nước.
Trong suốt hành trình 50 năm xây dựng, phát triển, TP.HCM luôn nỗ lực đột phá, đi đầu với việc thí điểm nhiều cách làm mới, tạo ra nhiều giá trị lớn được nhân rộng ra cả nước.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV, trợ lý bí thư Thành ủy TP.HCM, khẳng định những thành tựu đột phá, đi đầu trong thời gian qua chính là nguồn cảm hứng để TP.HCM tiếp tục tiên phong tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của sự giàu mạnh, thịnh vượng.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Nhà máy Dệt Thành Công khi làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. (Ảnh tư liệu)
Tinh thần “anh Hai Sài Gòn”
. Phóng viên: Trong hành trình 50 năm hình thành, phát triển, TP.HCM luôn đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt đất nước phát triển. Từ đâu mà TP.HCM gánh trên vai sứ mệnh này, thưa ông?

+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân (ảnh): Tôi đã có hơn 50 năm sống, làm việc, hòa mình cùng nhịp thở của một TP năng động nhất nước. Trong khoảng thời gian ấy, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí là vô cùng khốn khó, TP đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần năng động, đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung để liên tục phát triển và giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước.
Không phải tự dưng mà các địa phương gọi TP.HCM là “anh Hai” của cả nước, bởi TP luôn vì cả nước, cùng cả nước, giống như tiền đạo xung phong, có trách nhiệm ghi bàn. Nhiều người hỏi vì sao trong những lúc khó khăn nhất, gần nhất là đại dịch COVID-19, TP.HCM vẫn giữ được phong độ là đơn vị đóng góp ngân sách nhiều nhất về Trung ương, ở mức 25%-27% tổng thu ngân sách cả nước; trong khi đó diện tích của TP rất nhỏ, dân số chỉ khoảng 9%-10% dân số cả nước.
Tôi cho rằng đây là truyền thống, xuất phát từ những năm tháng khó khăn nhất của TP, nhất là giai đoạn 1975-1980 khi TP vừa khắc phục hậu quả của chiến tranh, vừa gặp thách thức của chiến tranh biên giới và cả những tồn tại, yếu kém của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, ảnh hưởng bởi 20 năm cấm vận của Mỹ (1975-1994).
Lúc này, cơ chế kế hoạch hóa tập trung làm cản trở sự phát triển của TP, làm cho khoảng 3-4 triệu người dân TP gặp khó khăn về lương thực… và có nguy cơ bị đói. Các doanh nghiệp (DN) dệt may, bột giặt, nhu yếu phẩm… không có nguyên vật liệu để sản xuất, dẫn đến thất nghiệp, kinh tế gần như suy thoái.
Có thể nói TP.HCM là cái nôi của quá trình đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Lúc bấy giờ, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - đang giữ các chức vụ bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP.HCM đã đưa ra phương châm “tự cứu lấy mình”, chấp nhận có thể bị ảnh hưởng vị trí chính trị nhưng không để người dân thiếu ăn, khổ cực, thất nghiệp. Từ đây, nhiều người gọi các cách làm đột phá của lãnh đạo TP.HCM là “xé rào, bung ra”.
“Xé rào, bung ra” nhiều cách làm đột phá
. Xin ông điểm qua một số cách làm đột phá đã giúp TP.HCM tự cứu lấy mình?
+ Có thể nói TP.HCM là cái nôi của quá trình đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Ở thời kỳ tiền đổi mới, lãnh đạo TP.HCM đã “vượt rào” đi đến ĐBSCL thu mua lúa gạo cao hơn giá bao cấp, chuyển về TP.HCM để lo an ninh lương thực cho gần 4 triệu người dân. Khi cách làm này được nhân rộng, người nông dân sản xuất nhiều hơn, Việt Nam từ đất nước thiếu lương thực trở thành nơi xuất khẩu lương thực tốp đầu thế giới. Hàng loạt DN nông, thủy sản được khuyến khích xuất khẩu, thu về ngoại tệ để nhập nguyên liệu cho các xí nghiệp đang ngừng trệ sản xuất, kinh doanh, giúp sản xuất phát triển.
Nhiều cách làm mới ở TP.HCM được nhân rộng
Trong gần 40 năm qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, TP.HCM luôn là địa phương đóng góp lớn cho cả nước trên cả phương diện GDP, thu ngân sách, năng suất lao động, cơ chế, chính sách mới, mô hình kinh doanh mới. Nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá, công nghệ mới, cách làm mới thường được triển khai ở TP.HCM rồi được nhân rộng cả nước.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam TÔ LÂM
Sau đó xuất hiện cơ chế khoán, làm nhiều thưởng nhiều… giúp các DN phát huy quyền tự chủ, tự quyết, tạo ra các mô hình sản xuất mới, để giá cả theo cung cầu. Từ đó, Đại hội VI của Đảng đã xóa cơ chế kế hoạch hóa tập trung, chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ đó, tại TP.HCM, kinh tế tư nhân, hộ sản xuất, công ty TNHH, công ty cổ phần, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại… bắt đầu thành lập rất nhanh. Ba ngân hàng thương mại đầu tiên của cả nước được thí điểm thành lập ở TP.HCM gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDbank) vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Để phát triển công nghệ cao, TP.HCM đã nhìn xa, trông rộng, nâng cao chất lượng nền sản xuất, giảm thâm dụng lao động, đầu tư khoa học công nghệ, thành lập Khu công nghệ cao ở TP Thủ Đức, Công viên phần mềm Quang Trung. Tất cả điều này tạo ra không khí sôi động của quá trình đổi mới, giúp kinh tế Việt Nam bứt phá, trong đó đóng góp của TP.HCM rất lớn.
. Bên cạnh những chính sách thí điểm đột phá về kinh tế, tài chính, ông cảm nhận như thế nào về các giá trị văn hóa, con người tại TP trong 50 năm qua?
+ TP.HCM chính là cái nôi về huy động nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân thông qua mô hình vận động người dân hiến đất để làm đường. Mô hình mùa hè xanh - nơi sinh viên TP dành mùa hè để giúp người dân xóa nạn mù chữ ở các vùng nông thôn, ngoại thành tại TP đã được lan tỏa trên cả nước và phát triển mạnh mẽ, sôi nổi, đa dạng hình thức hoạt động như hiện nay.
Những phong trào người tốt, việc tốt, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, xóa đói giảm nghèo… cũng khởi phát từ TP.HCM rất nhiều, tạo nên một TP văn minh, hiện đại, bao dung nghĩa tình, tương thân tương ái như ngày hôm nay. Những khi các địa phương khác trên cả nước không may gặp thiên tai, địch họa thì nhân dân và chính quyền TP cũng tiên phong đóng góp lớn, trên tinh thần “TP vì cả nước, cả nước vì TP”.
Mở ra không gian phát triển mới
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, TP.HCM đang rất tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình và tôi rất kỳ vọng TP.HCM sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn nữa dù cần độ trễ. Trong năm năm trở lại đây, TP tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng và tìm cách cởi trói về thể chế thông qua Nghị quyết 98/2023, Nghị quyết 188/2025.
Với hàng loạt dự án hạ tầng đã, đang và sắp triển khai, chúng ta có thể hình dung một đại công trường sắp hình thành tại TP.HCM, để rồi sau đó, cùng với việc sáp nhập tỉnh, sẽ tạo ra một vùng đô thị, không gian phát triển mới, chắp cánh cho TP.HCM tăng tốc mạnh mẽ.
Đưa cách làm đột phá vào luật, nghị định
. Nói đến “TP vì cả nước, cả nước vì TP”, xin ông chia sẻ thêm về sự lan tỏa giá trị của các cải cách đột phá ở TP đối với các tỉnh, thành khác?
+ Những đóng góp lớn của TP.HCM không chỉ về kinh tế, tài chính mà quan trọng không kém chính là thể chế. Tôi nhớ từ năm 1990, Quốc hội thông qua các Luật DN tư nhân; Luật Công ty; Pháp lệnh về ngân hàng, hợp tác xã tín dụng, công ty tài chính… Những việc này xuất phát từ những thí điểm của TP.HCM.
TP.HCM cũng là nơi cổ phần hóa DN nhà nước đầu tiên. Công ty CP Cơ điện lạnh REE tại TP.HCM chính là DN đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt. Từ đó, được luật hóa bằng những nghị định thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DN của cả nước, tạo ra thị trường mua bán cổ phiếu, hình thành nên Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP năm 2000 (nay là Sở giao dịch chứng khoán Hose).
TP.HCM cũng hình thành trung tâm giao dịch ngoại tệ đầu tiên, góp phần là tạo ra thị trường ngoại hối năng động. Việc Trung ương chọn TP.HCM cùng với Đà Nẵng là trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam để phát triển cũng chính từ những nền móng vững chắc này.
TP.HCM đã thí điểm chính sách “đổi đất lấy hạ tầng”, hình thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng như hiện nay. Sau đó, trên cả nước cũng có nhiều khu đô thị tương tự. Hay việc hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp đầu tiên của cả nước như Tân Thuận, Linh Trung, sau này cũng được Trung ương luật hóa bằng những nghị định, hình thành nên các khu công nghiệp trên cả nước.
Tương tự, các luật định liên quan đến chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cũng xuất phát từ TP.HCM…
Chưa dừng lại ở đó, bước ra những khó khăn đầu trong quá trình đổi mới, TP.HCM vẫn không dừng lại việc tiếp tục thí điểm, đổi mới, sáng tạo. Sau khi TP.HCM đã có vị thế nhất định thì cũng là lúc TP phát triển đạt ngưỡng megacity (siêu đô thị), gây ra nhiều cái điểm nghẽn về hạ tầng, thể chế.
Vì vậy, TP.HCM đã đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù giúp khơi thông các nguồn lực, giúp TP.HCM tiếp tục tăng tốc về phía trước, giữ vững vai trò đầu tàu, tiên phong, được thể hiện lần lượt qua Nghị quyết 54/2017 và Nghị quyết 98/2023. Sau TP.HCM, nhiều địa phương khác cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho mình. Mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) từ nghị quyết đã được nhân rộng cho cả nước, được luật hóa để Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện hơn.
Như vậy, đặc sản lớn nhất của TP.HCM trong chặng đường 50 năm qua chính là sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, luôn tìm ra đường đi, cách làm mới để tự cứu lấy mình; bứt phá, vì cả nước, cùng cả nước.
. Xin cám ơn ông.•

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (lần 1) cho Lực lượng TNXP TP.HCM. (Ảnh tư liệu )
.....................................
Ông PHẠM CHÁNH TRỰC, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM:
10.000 thanh niên ra quân xây dựng kinh tế mới
Những ngày đầu sau giải phóng, thực tiễn vô vàn khó khăn đã buộc TP.HCM phải đứng dậy tiên phong làm những việc chưa ai làm. Còn nhớ sau năm 1975, tôi được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc đó là bí thư Thành ủy TP.HCM, trao lá cờ ra quân thanh niên xung phong (TNXP) xung kích trên mặt trận kinh tế.
Lá cờ ghi dòng chữ “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên”. Lúc này, tôi cũng là bí thư Thành đoàn đầu tiên của TP mang tên Bác. Chỉ hai tháng sau ngày giải phóng, Thành đoàn tổ chức hai đại đội TNXP ra vùng ven Củ Chi, Bình Chánh để xây dựng kinh tế mới. Chúng tôi đã tổ chức rà phá bom mìn, khai hoang để trở lại sản xuất. Sau lần đầu thí điểm, Thành đoàn mở cuộc ra quân đến 10.000 TNXP sau đó vào năm 1976 “tay không” đi làm kinh tế. Mỗi người chỉ có hai bộ quần áo, cái võng, cuốc xẻng, dao rựa… nhưng được tổ chức quy mô rất lớn, lan tỏa đến miền Tây, Tây Nguyên. Mô hình này kéo dài nhiều năm sau đó và quy tụ được rất đông lực lượng tham gia.
Chúng tôi vui mừng khi những em học sinh, sinh viên mới rời ghế nhà trường, những anh lính được rèn luyện lao động; những thanh niên nghiện ma túy được đưa đi cai nghiện, học văn hóa, rèn luyện sức khỏe, lao động và thay đổi cuộc đời.
Do vậy, cuộc ra quân của hàng chục ngàn TNXP TP.HCM lúc bấy giờ chính là bước chuyển mạnh mẽ của ý thức dân tộc bị chia rẽ hàng trăm năm do đất nước bị nô lệ, phân ly và chiến tranh sang hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động vì Tổ quốc Việt Nam thống nhất.
.............................
PGS-TS NGUYỄN DANH TIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
Chuyện “xé rào”, mua gạo về cứu đói
Từ năm 1979 trở đi, nền kinh tế TP.HCM bộc lộ những hạn chế khi sản lượng công nghiệp quốc doanh sụt giảm nghiêm trọng, ngành công thương gặp nhiều khó khăn, các nông trường, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp làm ăn thua lỗ. Cùng với mùa màng thất bát, chế độ bao cấp về thực phẩm khiến 3,5 triệu dân rơi vào nạn đói.
Hai nhiệm vụ đặt ra đối với lãnh đạo TP.HCM là phải lo cái ăn cho nhân dân và vực dậy nền sản xuất. Thời điểm đó, có ngày cả Thành ủy chỉ lo bàn về gạo. Trong cứu đói, câu chuyện vẫn thường được nhắc đến là Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt mời bà Nguyễn Thị Ráo (tức bà Ba Thi), Giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM; ông Lữ Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương và ông Năm Ấn, Giám đốc Sở Tài chính, bàn việc cứu đói cho dân.
Từ cuộc gặp này, ông Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo các ban ngành cấp tiền để tổ thu mua lương thực của bà Ba Thi đi ĐBSCL mua gạo với giá thị trường. Trên thực tế, việc thu mua gạo gặp nhiều khó khăn bởi cơ chế ràng buộc, bị cho là thu mua phá giá - khi giá lúa được quy định khoảng 5 hào/kg, còn tổ thu mua giá 3 đồng/kg khiến các địa phương cho là phá hoại, gây mất đoàn kết. Tuy vất vả, khó khăn nhưng mệnh lệnh cao nhất là không được để dân đói khổ.
Có thể nói “xé rào” trong mua bán lương thực không chỉ lo đời sống của dân mà còn phá thế cô lập với tệ “ngăn sông cấm chợ” thời điểm đó. Việc làm đúng đắn của TP.HCM đã được Trung ương ghi nhận, bà Ba Thi năm ấy cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.•
************************
Những con số tăng trưởng vượt bậc nói lên tất cả
Kinh tế TP.HCM trong nhiều thập niên qua luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, quy mô kinh tế mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực đều phát triển, vị trí, vai trò của TP.HCM đối với cả nước đã được khẳng định.
Nếu trong 10 năm (1975-1985), GRDP chỉ tăng bình quân 2,7%/năm thì trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-2010), GRDP tăng bình quân 10,5%/năm, TP.HCM là một trong số ít đô thị của các nước tăng trưởng hai con số liên tục trong khoảng thời gian dài. Chính vì vậy, TP.HCM đã khẳng định được vai trò, vị trí là trung tâm lớn về nhiều mặt và là một trong những động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Tại Nghị quyết 20/2002, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh “TP.HCM là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”. Sự đánh giá của Bộ Chính trị về TP.HCM rõ hơn, cao hơn so với 20 năm trước, chính là kết quả từ sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân TP với trách nhiệm “vì cả nước, cùng cả nước”, đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, vượt qua bao khó khăn, thách thức đạt được những kết quả trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh, đối ngoại.
Có thể nói thập niên đầu thế kỷ 21, TP.HCM đã có những bước tiến vững vàng. Thời kỳ 2001-2005, kinh tế TP.HCM tăng bình quân 11%/năm, sang giai đoạn 2006-2010 tăng 11,2%/năm, bằng 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới và sau đó được tặng danh hiệu cao quý TP anh hùng.
Từ đó, TP.HCM liên tục phát triển, nếu năm 2005, tỉ trọng GRDP của TP so với cả nước chiếm 19,7% thì năm 2010 chiếm 21,3%. Tỉ trọng thu ngân sách của TP so với tổng thu ngân sách quốc gia năm 2005 là 26,5% và tăng lên 27,8% vào năm 2010. Rõ ràng, vai trò vị trí của TP mang tên Bác so với cả nước ngày càng được khẳng định, là địa phương đứng đầu trong tăng trưởng kinh tế của cả nước, xứng danh TP anh hùng.
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại một công ty trong Khu công nghiệp Tân Thuận, quận 7, TP.HCM. Ảnh: HỮU LUẬN
Với những nỗ lực, phát triển không ngừng trên tất cả lĩnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội, trong Nghị quyết 16/2012, Bộ Chính trị đã tiếp tục khẳng định “TP.HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”.
Rõ ràng, sau thập niên đầu của thế kỷ 21, vị thế, vai trò của TP.HCM đã được nâng lên rõ rệt. Dù chỉ chiếm rất nhỏ về diện tích tự nhiên nhưng TP đã đóng góp lớn cho GDP, tổng thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, lượng khách du lịch quốc tế và kim ngạch xuất khẩu. PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN
LÊ THOA ghi