TP.HCM: Bớt ùn tắc khi nhiều công trình đưa vào khai thác

Những công trình giao thông tại TP.HCM bị 'đứng hình' nhiều năm do vướng mặt bằng đã dần được hoàn thành và đưa vào khai thác, phục vụ tối đa nhu cầu đi lại cho người dân.

Đi lại, vận chuyển thuận tiện hơn

Ngày đầu năm mới 2025, anh Nguyễn Ngọc Đạt, tài xế container của một doanh nghiệp ở quận 7, TP.HCM rất vui khi việc vận chuyển hàng hóa trên đường Nguyễn Văn Linh thuận lợi hơn rất nhiều khi hầm chui tại nút giao với đường Nguyễn Hữu Thọ đã thông xe cả hai hướng.

Hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thông xe đã giúp giảm áp lực giao thông trên tuyến.

Hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thông xe đã giúp giảm áp lực giao thông trên tuyến.

"Khu vực này trước đây ùn tắc lắm, có khi kéo dài cả tiếng. Thành phố triển khai xây hầm chui nhưng làm ì ạch suốt 2 năm khiến cánh tài xế thêm khổ. Giờ thông xe rồi, xe từ miền Tây về Cát Lái rất thuận tiện", anh Đạt nói.

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc doanh nghiệp vận tải Lâm Vinh cho biết, việc ùn tắc trên các tuyến giao thông cửa ngõ như Nguyễn Văn Linh gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. "Sau khi hầm chui thông xe, không còn cảnh ùn tắc. Một ngày tài xế có thể quay đầu chạy hai chuyến hàng, giúp giảm chi phí vận tải", ông Vinh nói.

Trong ngày cuối cùng của năm 2024, TP.HCM cũng đưa vào khai thác cầu Phước Long, một đoạn quốc lộ 50 (đoạn từ đường Trịnh Quang Nghị đến ngã ba đường song hành và quốc lộ 50, huyện Bình Chánh).

Trước đó, từ giữa năm 2024, cầu Rạch Đĩa ở huyện Nhà Bè cũng hoàn thành, giúp bức tranh giao thông khu vực phía Nam thành phố phần nào khởi sắc hơn.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư các dự án giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, từ nay đến trước tết Nguyên đán sẽ tiếp tục hoàn thành khoảng 10 dự án, như: Cầu Tân Quỳ - Tân Quý, Bà Hom, một nhánh cầu Tăng Long, đường Dương Quảng Hàm (Gò Vấp), Hoàng Hoa Thám, đường Nối Trọng Quốc Hoàng Cộng Hòa (Tân Bình), đường Lương Định Của, đoạn từ Nguyễn Hoàng đến Trần Não, hai nhánh cầu Bà Giạt (Thủ Đức) một nhánh nút giao An Phú, đoạn kênh Hàng Bàng (quận 5)...

"Những công trình này không quá lớn về nguồn vốn đầu tư nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc phục vụ người dân đi lại, lưu thông hàng hóa", ông Phúc nói.

Hoàn thành nhiều công trình liên kết vùng

Nếu như 2024 là năm để hoàn thiện hạ tầng giao thông nội đô thì năm 2025 sẽ là năm của những dự án liên kết liên vùng. Đầu tiên là cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM với Đồng Nai sẽ hoàn thành đưa vào khai thác dịp 30/4.

Để kịp kết nối cầu Nhơn Trạch với cao tốc TP.HCM - Long Thành, Ban Giao thông đang đôn đốc các nhà thầu thi công gói XL1, dự án Vành đai 3 qua Thủ Đức.

Đoạn 14,7km trên cao của Vành đai 3 từ cao tốc TP.HCM - Long Thành đến nút giao Tân Vạn sẽ hoàn thành cuối năm 2025. Khi đó, các phương tiện từ Bình Dương, Thủ Đức, Bình Phước, Tây Ninh... sẽ theo Vành đai 3 đi sân bay Long Thành, Vũng Tàu thuận lợi.

Tại buổi phát động 365 ngày đêm hoàn thành tuyến Vành đai 3 qua TP.HCM hôm 30/12, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu lập lại tiến độ để đạt kế hoạch đề ra. Việc đẩy nhanh tiến độ là nhiệm vụ cấp bách để kết nối sân bay Long Thành, khi dự án này được đẩy thời gian hoàn thành trước 31/12/2025.

Trong khi đó, hai nút giao quan trọng là An Phú và Mỹ Thủy sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2025.

Ở hướng phía Tây, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ khai thác đoạn 22km từ cao Trung Lương (đoạn qua Bến Lức) đến đường Nguyễn Hữu Thọ (Nhà Bè). Đây là hướng tuyến quan trọng trong việc kết nối với cảng Hiệp Phước.

Dự án nâng cấp quốc lộ 50 cũng khai thác toàn bộ, kết nối hướng đi Tiền Giang thuận tiện.

Sớm triển khai các dự án theo chính sách đặc thù

Năm 2025 cũng là năm thực hiện nhiều dự án theo các chính sách đặc thù Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Đầu tiên là tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ được khởi công. Tiếp đó là các dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ cửa ngõ thành phố như các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, đường trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các nhà đầu tư, điều chỉnh các chính sách để trình thành phố ban hành, sau đó tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất cho từng dự án.

Ngoài ra, một dự án quan trọng khác là Vành đai 4 cũng đã được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với nhiều chính sách đặc thù. Triển khai 2 đoạn tuyến Vành đai 2. Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành; TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho hay, với những kinh nghiệm trong công tác GPMB, nhất là với dự án Vành đai 3 sẽ được áp dụng ở nhiều dự án sắp tới, tiến độ GPMB sẽ tốt hơn, thời gian triển khai dự án sẽ đúng với kế hoạch đề ra.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, Sở GTVT cần đẩy nhanh hơn nữa các thủ tục, sớm triển khai các dự án theo chính sách đặc thù trên thực tế.

"Nghị quyết đã ban hành 2 năm, thí điểm trong 5 năm, đến cuối năm 2025 mới khởi công dự án đầu tiên thì chúng ta đã mất đi cơ hội rất nhiều. Tôi đề nghị đưa ra phương án thi công làm sao nhanh nhất, hiệu quả nhất", ông Lịch nói.

Tư Doãn

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-bot-un-tac-khi-nhieu-cong-trinh-dua-vao-khai-thac-192250103004520228.htm
Zalo