TP.HCM bố trí thêm hơn 1.000 chỗ ngồi để xem lễ diễu binh, diễu hành
Sở Văn hóa và Thể thao đã xin ý kiến UBND TP.HCM để thiết kế thêm bốn khu khán đài với 1.044 chỗ ngồi, mời nhân dân đến cùng tham dự lễ diễu binh, diễu hành.
Chiều 14-4, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025, lần thứ 2 (mở rộng), Phó Giám đốc Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Thanh Thúy đã thông tin về đại lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành nhân dịp 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).

Phó Giám đốc Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Thanh Thúy thông tin về đại lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành nhân dịp 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND TP các nội dung toàn diện chuẩn bị cho buổi lễ gồm lập danh sách khách mời, quà tặng, thiết kế thư mời, thiết kế và thi công khán đài, tập luyện các khối diễu hành.
“Hiện tổng khối lượng các hạng mục đã đạt gần 80%” – bà Thúy nói.
Đáng chú ý, theo bà Thúy, TP.HCM đặc biệt chú ý đến nhu cầu của người dân, cơ quan, địa phương mong muốn được tham gia vào lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành. Do đó, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu, xin ý kiến UBND TP.HCM để thiết kế thêm bốn khu khán đài nữa với tổng 1.044 chỗ ngồi để người dân đến cùng tham dự lễ diễu binh, diễu hành.
Bà Thúy cũng cho biết khách mời ngoại giao dự kiến khoảng 190 người tham dự, gồm đại diện Chính phủ các nước phương tây và một số nước châu Mỹ La Tinh đã ủng hộ cách mạng Việt Nam, đại diện chính khách Hoa Kỳ có ảnh hưởng và đóng góp cho quan hệ hai nước, các quốc gia có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam.

Quân nhân, chiến sĩ tham gia tổng hợp luyện diễu binh tại sân bay Biên Hòa ngày 11-4. Ảnh: NGUYỆT NHI
Để phục vụ cho người dân toàn TP.HCM xem lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành, bên cạnh khu vực tổ chức trung tâm, TP sẽ lắp đặt 20 màn hình led dọc các tuyến đường trung tâm TP. Đồng thời, phối hợp 22 quận, huyện và TP Thủ Đức lắp đặt màn hình led tổ chức cho người dân xem trực tiếp buổi lễ, đảm bảo an ninh, an toàn.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định công tác an ninh được thắt chặt để đảm bảo buổi lễ diễn ra hiệu quả, an toàn.
Cũng theo bà Thúy, hoạt động thể thao cũng được TP quan tâm đẩy mạnh. Ngoài ngày chạy olympic vì sức khỏe toàn dân thì cuộc xe đạp tranh cúp truyền hình đã vào giai đoạn nước rút để về đích tại Dinh Thống Nhất vào trưa 30-4 lịch sử.
Nhân dịp 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM cũng dự kiến bắn pháo hoa tại bảy điểm, gồm Khu vực đầu hầm sông Sài Gòn, TP Thủ Đức; Khu đền tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược, huyện Củ Chi; Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn; Khu di tích Láng Le – Bàu Cò, huyện Bình Chánh; Sân bóng đá huyện Cần Giờ; Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc; Công viên Văn hóa Đầm Sen.
Ngoài bảy điểm bắn pháo hoa dự kiến nêu trên, Bộ Tư lệnh TP đang vận động các quận, huyện và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP tham gia xã hội hóa bắn pháo hoa tại địa phương nhân dịp kỷ niệm này.