TP.HCM ban hành kế hoạch làm 355km metro, khởi công tuyến số 2 tháng 12/2025
TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện 355km đường sắt đô thị trong 10 năm tới. Trong đó, cuối năm 2025 khởi công tuyến metro số 2, các tuyến tiếp theo khởi công giai đoạn 2027.
Ngày 26/3, UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 188 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM.
Khởi công metro số 2 vào tháng 12/2025

Tuyến metro số 2 đang di dời hạ tầng, chuẩn bị khởi công. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Theo đó, để làm 355km đường sắt đô thị trong 10 năm tới, UBND TP.HCM đã ban hành 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó bao gồm xây dựng văn bản để cụ thể hóa một số quy định của Nghị quyết 188; huy động vốn và bố trí vốn đầu tư; chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và vật liệu xây dựng và bãi đổ thải.
Thành phố cũng giao nhiệm vụ cho từng sở ngành liên quan; yêu cầu Các chủ thể tham gia dự án cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tập trung thời gian, trí tuệ và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đơn vị cần chủ động, tích cực phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao, vì nhiệm vụ chung, đóng góp vào sự phát triển của thành phố.
Trên cơ sở này, các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư, đơn vị trực thuộc UBND TP và các địa phương nơi có dự án metro đi qua chịu trách nhiệm tổ chức sắp xếp bộ máy, bố trí nhân sự phù hợp để thực hiện kế hoạch...
Đối với tuyến metro số 2, từ nay đến tháng 4/2025, các sở ban ngành sẽ hoàn thiện thủ tục chuyển đổi nguồn vốn từ sử dụng ODA sang đầu tư công. Sau đó, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu và khởi công dự án vào tháng 12/2025.

Trong 10 năm tới, TP.HCM phấn đấu hoàn thành 7 tuyến metro dài 355km. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Đồng thời, đối với 6 tuyến đường sắt đô thị còn lại cũng sẽ tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định, phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phấn đấu khởi công các dự án vào giai đoạn 2027. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án này sẽ thực hiện từ giai đoạn 2025 - 2027.
Sở Giao thông công chánh TP.HCM sẽ xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phục vụ phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Huy động khoảng 40,2 tỷ USD để đầu tư 355km
Theo kế hoạch, TP.HCM cần huy động khoảng 40,2 tỷ USD để đầu tư 355km trong 10 năm. Để làm được điều này, Nghị quyết 188 của Quốc hội cũng đã có các cơ chế giúp TP.HCM có thể huy động mọi nguồn lực, bao gồm vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn thu từ phát triển đô thị theo mô hình TOD, phát hành trái phiếu…
Về huy động vốn và bố trí vốn đầu tư, UBND TP sẽ bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho Ngân sách địa phương (209.500 tỷ đồng cho TP.HCM - khoảng 8,38 tỷ USD).

Nhiều khu vực quanh ga metro được đưa vào kế hoạch phát triển TOD. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Song song đó, thành phố bổ sung nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác; xây dựng phương án huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện các dự án; bố trí cân đối, kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách địa phương; xây dựng phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương bố trí vốn cho các dự án đường sắt đô thị...
Đặc biệt, UBND TP.HCM yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch (nếu cần); chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch giữa các dự án, công trình trong khu vực TOD để triển khai dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD.
Lãnh đạo UBND TP được phân công theo lĩnh vực để giám sát, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch đúng tiến độ, chất lượng. Các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức phải nghiêm túc triển khai, nếu cần điều chỉnh, phải báo cáo UBND TP để đảm bảo tiến độ chung.
Sở Giao thông công chánh giữ vai trò cơ quan thường trực theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch. Đồng thời, TP.HCM sẽ nghiên cứu tổ chức lại mô hình quản lý đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, thành lập Hội đồng thẩm định phương án tuyến, quy hoạch TOD, và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, TP sẽ thành lập Tổ thẩm định lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu các gói EPC, nhà thầu tư vấn nước ngoài, đồng thời tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết sau 2 năm triển khai.