2 phương án sắp xếp đơn vị cấp xã của tỉnh Tây Ninh
Tỉnh Tây Ninh đã có tờ trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, trong đó giảm hơn 70% số xã nhằm tinh gọn bộ máy, thúc đẩy đô thị hóa và nâng cao hiệu quả quản lý.
Ngày 29-3, UBND tỉnh Tây Ninh đã có tờ trình về phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, số lượng đơn vị cấp xã sẽ giảm đáng kể để đáp ứng tiêu chí diện tích và dân số theo quy định của Trung ương.
Hiện tại, toàn tỉnh Tây Ninh có 94 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 17 phường, 6 thị trấn và 71 xã. Tổng số cán bộ, công chức đang hoạt động là 1.917 người, cùng 1.418 người hoạt động không chuyên trách.
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Tây Ninh dự kiến hai phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Hai phương án sắp xếp đơn vị hành chính
Dựa trên tiêu chí diện tích và dân số, UBND tỉnh Tây Ninh đề xuất hai phương án điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã.
Cụ thể, phương án 1, sau sắp xếp, toàn tỉnh còn 28 đơn vị cấp xã, gồm 8 phường, 20 xã, với tỉ lệ giảm 70,21%.
Phương án này tập trung vào việc tăng số lượng phường, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, thu hút đầu tư và cải thiện chất lượng dịch vụ công. Tuy nhiên, việc sáp nhập nhiều xã có thể gặp khó khăn trong công tác lấy ý kiến người dân và điều chỉnh địa giới hành chính.
Phương án 2, sau sắp xếp, còn 26 đơn vị cấp xã với 5 phường, 21 xã, tỉ lệ giảm 72,34%.
Phương án này ưu tiên giữ lại nhiều đơn vị hiện hữu, giảm tối đa ảnh hưởng đến đời sống người dân và doanh nghiệp, đồng thời giúp tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, số lượng phường ít hơn có thể làm chậm tốc độ đô thị hóa, một số xã sau sáp nhập sẽ có diện tích lớn, gây khó khăn trong công tác quản lý hành chính.
Sau khi xem xét ưu và nhược điểm của từng phương án, UBND tỉnh Tây Ninh đề xuất chọn phương án 1.
Nguyên tắc đặt tên và điều chỉnh địa giới hành chính
Việc đặt tên các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, tờ trình của UBND tỉnh Tây Ninh nêu rõ cần đảm bảo tính khoa học, truyền thống và thuận tiện trong giao tiếp. Các địa phương sẽ ưu tiên giữ lại những tên gọi quen thuộc hoặc sử dụng danh xưng có giá trị lịch sử, văn hóa, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng.

Tây Ninh đã có tờ trình xem xét điều chỉnh địa giới và đặt tên đơn vị hành chính. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
UBND tỉnh cũng đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính tại một số khu vực để đảm bảo sự liên kết vùng hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế.
Trong đó có một số khu vực trọng điểm cần điều chỉnh, gồm khu vực 3 xã Thạnh Bình – Tân Phong – Thạnh Tây (huyện Tân Biên) nhằm mở rộng địa giới hành chính thị trấn Tân Biên; điều chỉnh địa giới thị trấn Tân Châu để kết nối với xã Tân Phú, đảm bảo tính liên kết hạ tầng; điều chỉnh ranh giới giữa một số xã thuộc các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng, Châu Thành để phù hợp với nhu cầu quản lý.
UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh quá trình sắp xếp và điều chỉnh địa giới hành chính phải đảm bảo đúng quy định, tôn trọng ý kiến người dân và hướng đến sự phát triển bền vững của địa phương.
Việc sắp xếp lại đơn vị cấp xã không chỉ giúp tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho tỉnh Tây Ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện đời sống người dân.