TP.Bến Cát: Phát huy sức dân xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và nông thôn
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh không chỉ là mục tiêu của sự phát triển đô thị hiện đại, mà còn là yêu cầu cấp thiết để gìn giữ những giá trị truyền thống, tạo dựng cộng đồng nhân ái, nghĩa tình. Trong hành trình ấy, sức dân chính là nguồn lực to lớn, là động lực quan trọng quyết định thành công. Ở TP.Bến Cát, những chuẩn mực về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh từng bước lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao chất lượng sống, làm đẹp thêm diện mạo của địa phương.
Đổi thay từ những khu dân cư
Tại khu phố 1, phường Tân Định, TP.Bến Cát, việc thực hiện “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp” đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân. Đến nay, khu phố đã xây dựng được 4 tuyến đường kiểu mẫu, thường xuyên tổ chức ra quân dọn vệ sinh, phát quang, tháo gỡ bảng quảng cáo trái phép kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các hộ dân.
Phong trào giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm trật tự đô thị cũng được khu phố 1 chú trọng. Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, địa phương đã vận động trang bị một chiếc xe chuyên dụng trị giá 112 triệu đồng phục vụ công tác tuần tra an ninh trật tự tại các khu phố và hỗ trợ UBND phường khi cần thiết. Lực lượng bảo vệ dân phố cũng đã thường xuyên phối hợp đội trật tự phường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang đường bộ, góp phần lập lại trật tự, xây dựng mỹ quan đô thị văn minh, sạch đẹp.
Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội luôn được khu phố quan tâm thường xuyên. Ban điều hành khu phố 1 phối hợp cùng các đoàn thể vận động quỹ nuôi heo đất, tổ chức phiên chợ “0 đồng” trao 100 phần quà trị giá 50 triệu đồng cho hộ nghèo, cận nghèo; tặng 13 phần quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động 34,5 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ngoài ra, mô hình xe hút đinh với 10 thành viên cũng đã đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường vào mỗi ngày thứ bảy hàng tuần.

Xây dựng nếp sống VH-VM không chỉ là mục tiêu của sự phát triển đô thị hiện đại, mà còn là yêu cầu cấp thiết để gìn giữ những giá trị truyền thống, tạo dựng cộng đồng nhân ái, nghĩa tình
Huy động sức dân
Ở xã Phú An, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh (VH-VM) được thể hiện rõ ở việc nhiều ấp, nhiều người dân không chỉ đóng góp công sức, vật chất mà còn hiến đất làm đường, tự chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, tạo dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Là một người tâm huyết với công tác xây dựng nếp sống VH-VM ở địa phương, thời gian qua, ông Phạm Thái Đô, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bến Giảng đã phát huy, khơi dậy được sức mạnh đoàn kết, thúc đẩy các phong trào tại địa phương; nhất là trong xây dựng các con đường sáng - xanh - sạch đẹp.
Ông Phạm Thái Đô cho biết: “Trước đây, ấp Bến Giảng có một số tuyến đường với bề mặt đường nhỏ, chủ yếu là các tuyến đường dân sinh, hẻm cụt, bề mặt đường dưới 5m, không đủ điều kiện đưa vào danh mục đầu tư công khiến việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn. Thấu hiểu nỗi vất vả của người dân khi thời tiết mưa lầy, nắng bụi, tôi quyết tâm cùng chính quyền địa phương vận động để bê tông hóa được 3 tuyến đường thông qua chủ trương xã hội hóa”.
Thực tế ở nhiều địa phương đã chứng minh, khi người dân thực sự nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nếp sống VH-VM, những chuyển biến tích cực sẽ diễn ra bền vững và sâu rộng hơn. Đơn cử như ở nhiều khu dân cư, các tổ tự quản vệ sinh môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, gìn giữ mỹ quan đô thị… được phát động và duy trì hiệu quả nhiều năm qua chính là nhờ vào sự tự giác, đồng lòng của người dân...
Ở ấp Bến Giảng, các tuyến đường như PA 075, DX 105 hay DX 07 vốn trước đây lầy lội, bụi bẩn nay đã trở nên thông thoáng với mặt bê tông rộng rãi, kiên cố. Riêng tuyến đường PA 075 còn được bê tông rộng 4m, kéo dài hơn 1,6km ra hết cánh đồng thuộc địa phận xã. Tuyến đường này còn được thắp sáng bởi hơn 40 bóng đèn cao áp bằng điện năng lượng mặt trời, giúp người dân thuận tiện đi lại đêm hôm… Tất cả những tuyến đường này, đều được làm từ sự đồng thuận, từ sự đóng góp của nhân dân sinh sống trên các tuyến đường này.
Còn ở ấp An Thuận, xã Phú An, Ban Công tác Mặt trận ấp đã triển khai hiệu quả mô hình “Ngày thứ bảy văn minh” với 10 cuộc ra quân dọn vệ sinh, trồng mới nhiều loại hoa khác trong khuôn viên văn phòng ấp; phát quang, vệ sinh 11 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 3.360m. Song song đó, các hộ dân có nhà tiếp giáp các tuyến đường cũng đã tích cực tham gia cùng đội hình tình nguyện, làm sạch cảnh quan môi trường. Ấp An Thuận còn phát động xã hội hóa tuyến đường ĐX 085 với tổng kinh phí nhân dân đóng góp 37 triệu đồng.
Phát huy vai trò nòng cốt của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, ấp An Thuận đã thành lập mô hình “Tổ ươm xanh cộng đồng dân cư kiểu mẫu”. Chỉ với 15 thành viên, mô hình đã trở thành điểm sáng trong phong trào bảo vệ cảnh quan môi trường tại địa phương.
Không chỉ là những người trực tiếp góp công sức, các thành viên trong tổ còn đóng vai trò lan tỏa ý thức, tinh thần tự giác trong cộng đồng dân cư. Thời gian qua, mô hình “Tổ ươm xanh cộng đồng dân cư kiểu mẫu” đã cung cấp 218 cây xanh trồng tại khuôn viên văn phòng ấp và thực hiện chiết, giâm cành 125 cây hoa bạch giấy, 113 cây quỳnh anh để làm đẹp cảnh quan, phục vụ xây dựng tuyến đường kiểu mẫu. Không dừng lại ở việc trồng cây, làm đẹp cảnh quan, mô hình còn lan tỏa tinh thần cộng đồng tự quản, tự chăm sóc và bảo vệ môi trường, mỗi thành viên tổ ươm xanh chính là những tuyên truyền viên tích cực, vận động người dân tham gia bảo vệ cây xanh, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn sạch đẹp các tuyến đường, khuôn viên khu dân cư. Bà con trong ấp cũng tích cực chung tay, người góp công, người góp vật tư, cùng chung mục tiêu “xanh hóa” không gian sống. Nhiều hộ gia đình đã chủ động đăng ký trồng hoa, cây xanh trước nhà, dọc các tuyến đường; tham gia chăm sóc, tỉa cành, vệ sinh định kỳ, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa tinh thần tự giác trong cộng đồng.