Top các ngân hàng được 'chọn mặt gửi tiền' nhiều nhất quý I

Thống kê cho thấy, tổng tiền gửi tại 27 ngân hàng niêm yết trong quý I/2025 đạt hơn 11,41 triệu tỷ đồng, tăng 2,37% so với cuối năm trước. Bất chấp mặt bằng lãi suất huy động thấp, dòng tiền vẫn chảy vào hệ thống, với 22 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng, trong đó VPBank tăng mạnh nhất, trong khi nhóm 'ông lớn' tiếp tục dẫn đầu về quy mô.

Thống kê của phóng viên từ 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, trong quý I/2025, tổng tiền gửi của khách hàng đạt hơn 11,41 triệu tỷ đồng, tăng 2,37% so với cuối năm 2024; trong đó, có 22/27 ngan hàng duy trì đà tăng.

Về tốc độ tăng trưởng, VPBank là điểm sáng nổi bật nhất với mức tăng trưởng tiền gửi lên tới 13,74%, cao nhất toàn hệ thống. Tổng số dư tiền gửi của VPBank tăng lên 552.374 tỷ đồng, giúp ngân hàng này tăng 3 bậc, lên thứ 6 toàn ngành về quy mô tiền gửi khách hàng. Đây cũng là quý VPBank thu hút lượng tiền gửi lớn nhất từ trước đến nay.

Đồ họa: Ánh Tuyết.

Đồ họa: Ánh Tuyết.

Theo sát là KienlongBank và Nam A Bank, đều tăng trưởng hai chữ số, lần lượt đạt 11,76% và 11,4%. Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá như: VietBank (8,62%), PGBank (7,83%), NVB (6,67%), OCB (6,1%) và SHB (6,05%).

Ba ông lớn ngân hàng giữ vững vị thế dẫn đầu với hơn 1 triệu tỷ đồng tiền gửi

Xét về quy mô tuyệt đối, BIDV tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu với gần 1,977 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng nhẹ 1,22% so với cuối năm trước. VietinBank và Vietcombank theo sau với quy mô lần lượt là 1,62 triệu tỷ và 1,51 triệu tỷ đồng.

Đây cũng là ba “ông lớn” duy trì quy mô tiền gửi khách hàng trên 1 triệu tỷ đồng, giữ vững vị thế dẫn đầu toàn hệ thống. Nhóm này hiện chiếm gần 45% tổng tiền gửi, tiếp tục là các nhà băng được người dân ưu tiên "chọn mặt gửi tiền".

Ngược lại, vẫn có không ít ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm về tiền gửi. SeABank giảm mạnh nhất với mức 4,92%, tiếp đến là TPBank (giảm 3,99%), ABBank (giảm 1,47%). Hai trong số những ngân hàng lớn nhất hệ thống cũng giảm nhẹ quý đầu năm, Vietcombank (giảm nhẹ 0,37%) và Techcombank (giảm 0,34%).

Xét về quy mô tuyệt đối, các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn cũng được người dân, doanh nghiệp gửi tiền nhiều như: MB (722,6 nghìn tỷ), Sacombank (585,6 nghìn tỷ), ACB (550,4 nghìn tỷ), Techcombank (531,6 nghìn tỷ)..., dù mức tăng trưởng không đồng đều.

Dù lãi suất huy động duy trì ở mức thấp, trong vòng 5 năm qua, tổng số dư tiền gửi theo quý chỉ ghi nhận sụt giảm một lần duy nhất vào quý III/2022, còn lại đều tăng so với quý liền trước.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2025, lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân tiếp tục tăng 4,26% so với cuối năm 2024, tương ứng tăng 301 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 7,366 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tiếp tục xu hướng sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp. Đến cuối tháng 2, tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế còn 7,362 triệu tỷ đồng, giảm 3,98% so với cuối năm 2024, tương ứng giảm 305 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tiền gửi của khách hàng cá nhân vượt tiền gửi của khối tổ chức kinh tế trong hệ thống ngân hàng./.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/top-cac-ngan-hang-duoc-chon-mat-gui-tien-nhieu-nhat-quy-i-176874.html
Zalo