Tổng thư ký NATO: Ngừng phàn nàn, hãy hành động
Tổng thư ký NATO Mark Rutte thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra các giải pháp khả thi cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Ảnh: Getty Images.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte kêu gọi các thành viên châu Âu của khối ngừng phàn nàn về việc bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán hòa bình và thảo luận về tương lai của Ukraine, mà thay vào đó hãy hành động.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) hôm 15/2, Rutte nhấn mạnh đến nhu cầu đưa ra những ý tưởng khả thi, bao gồm cả về xung đột Nga-Ukraine và nỗ lực của khối nhằm tăng chi tiêu quốc phòng. “Hãy tham gia tranh luận, không phải bằng cách phàn nàn... mà bằng cách đưa ra những ý tưởng cụ thể”, ông phát biểu.
Rutte cũng thúc giục các thành viên của khối tăng cường chi tiêu quân sự, chỉ ra rằng mặc dù đã có những cam kết trước đó, nhiều quốc gia vẫn chưa đạt được các mục tiêu chi tiêu quốc phòng đã thỏa thuận. Người đứng đầu NATO cũng xác nhận khối do Mỹ lãnh đạo dự kiến sẽ đạt được một thỏa thuận mới về các mục tiêu chi tiêu trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới của tổ chức này dự kiến diễn ra vào tháng 6.
Các thành viên NATO châu Âu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng họ có thể bị gạt ra ngoài lề trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm ở Ukraine sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.
Vào ngày 13/2, 7 quốc gia châu Âu và Ủy ban EU khẳng định họ cần phải tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai về Ukraine, nói rằng việc loại trừ họ sẽ khiến một nền hòa bình lâu dài trở nên bất khả thi.
“Mục tiêu chung của chúng ta là đưa Ukraine vào vị thế mạnh mẽ. Ukraine và châu Âu phải là một phần của bất kỳ cuộc đàm phán nào”, 7 quốc gia cho biết trong một tuyên bố chung sau cuộc họp cấp bộ trưởng tại Paris, đồng thời khẳng định “một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine là điều kiện cần thiết cho một an ninh xuyên Đại Tây Dương vững mạnh”.