Nga có lợi thế, HĐBA LHQ có thể thông qua nghị quyết trung lập hơn về xung đột Nga- Ukraine

Sau 3 năm xảy ra xung đột Nga- Ukraine, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres ngày 23/2 nhấn mạnh sự cấp thiết phải đạt được một đề xuất hòa bình 'công bằng, bền vững và toàn diện'.

 Cảnh đổ nát vì chiến tranh tại Novopavlivka, vùng Dnipropetrovsk, Ukraine hôm 18/2. Ảnh: Reuters

Cảnh đổ nát vì chiến tranh tại Novopavlivka, vùng Dnipropetrovsk, Ukraine hôm 18/2. Ảnh: Reuters

Ông Guterres kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở quốc gia châu Âu này, bày tỏ tiếc thương về hàng nghìn người thiệt mạng và sự tàn phá sau ba năm khủng hoảng. Ông cũng hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm đạt được hòa bình công bằng và bao trùm, đồng thời khẳng định LHQ sẵn sàng ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào về vấn đề này.

Liên quan, hãng thông tấn TASS cùng ngày đưa tin, HĐBA LHQ sẽ biểu quyết để thông qua một nghị quyết mới trung lập hơn về xung đột Nga- Ukraine do Mỹ đề xuất.

LHQ trước đó đề xuất HĐBA bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết giải quyết xung đột ở Ukraine, với nội dung trung lập hơn nhiều so với dự thảo nghị quyết của Kiev và các nước phương Tây.

Văn bản dự thảo nghị quyết của Mỹ đã được chuyển tới đại diện của các nước thành viên HĐBA ngày 21/2.

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói với Fox News rằng: "Quân đội Mỹ sẽ không hiện diện trên lãnh thổ Ukraine. Nhưng quan hệ đối tác kinh tế là quan trọng".

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng lưu ý, châu Âu nên đi đầu trong việc bảo đảm an ninh ở lục địa châu Âu, đồng thời bày tỏ: "Thật đáng khích lệ khi thấy các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố 'Chúng tôi sẵn sàng can thiệp ở Ukraine và giúp đảm bảo an ninh'. Chúng tôi hoan nghênh điều đó".

Trước đó, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho biết, Thủ tướng Anh Keir Starmer có thể gửi bản dự thảo kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh và Pháp tại Ukraine cho Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 27/2.

London và Paris muốn nhận được hỗ trợ quân sự từ Washington nếu lực lượng gìn giữ hòa bình của họ gặp nguy hiểm. Theo kế hoạch này, Pháp và Anh muốn triển khai cả lực lượng lục quân, không quân và hải quân.

Về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko nói rằng, Moscow lấy làm quan ngại đối với ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine. Theo ông, đây là bước đi dẫn tới leo thang căng thẳng.

Ngày 24/2/2022, Nga chính thức tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Trong giai đoạn đầu, Nga sử dụng các lực lượng tinh nhuệ, đánh thẳng vào thủ đô Kiev của đối phương và một số vùng phụ cận theo chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm “phi phát-xít hóa” bộ máy lãnh đạo của Ukraine. Tuy nhiên, xung đột trên thực tế không diễn ra như Nga suy tính. Do vậy, Nga đã điều chỉnh cả về mục tiêu, phương thức tác chiến, phạm vi chiến trường, quy mô sử dụng lực lượng... Từ đây, cuộc xung đột Nga - Ukraine chuyển sang giai đoạn mới với sự tham gia ngày càng sâu của nhiều bên.

Theo giới phân tích, hiện tại Nga đang có lợi thế lớn khi ở vị thế có thể quan sát được những điều chỉnh chính sách của Mỹ, châu Âu và Ukraine trước khi đi vào đàm phán chính thức. Từ khoảng giữa năm 2025 trở đi, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể hình thành cục diện đánh - đàm, trong đó đàm phán ngoại giao sẽ tác động trực tiếp tới tình hình chiến sự và cục diện chiến trường sẽ tạo thuận lợi cho đàm phán. Nếu thuận lợi, có thể các bên sẽ hướng tới một lệnh ngừng bắn có thời hạn vào quý 3/2025 hoặc cuối năm 2025, nhưng khó có một giải pháp tổng thể để kết thúc cuộc xung đột trong năm 2025.

TS ( từ Baoquocte.vn, tapchicongsan.org.vn, TTXVN)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nga-co-loi-the-hdba-lhq-co-the-thong-qua-nghi-quyet-trung-lap-hon-ve-xung-dot-nga-ukraine-post312708.html
Zalo