Tổng thống Zelensky đánh giá tác động của Hội nghị An ninh Munich với châu Âu và Ukraine
Tổng thống Volodymyr Zelensky tin rằng Hội nghị An ninh Munich (MSC) đã tạo động lực cho châu Âu và đẩy nhanh các tiến trình quan trọng đối với Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC). Ảnh: Volodymyr Zelensky/X
Hãng tin Interfax-Ukraine ngày 17/2 dẫn phát biểu cùng ngày của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một cuộc họp trực tuyến với các nhà báo khi tới thăm Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết ông đã nhận thấy sự tăng tốc của một loạt các tiến trình sau Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61 ở Đức, điều mà trước đây các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) chưa có đủ.
“Mọi người đều nói với tôi rằng những gì vừa diễn ra tại Munich đã đẩy nhanh mọi thứ một cách toàn diện. Và nước Mỹ thì rất nhanh, cực kỳ nhanh… nhanh trong mọi lĩnh vực. Và có vẻ như châu Âu đã thiếu đi tốc độ đó”, ông Zelensky cho biết.
Nhưng bây giờ, theo nhà lãnh đạo Ukraine, “châu Âu đã bắt đầu hành động, hôm nay họ đang đến Paris, nhiều nhà lãnh đạo, các nhà lãnh đạo châu Âu, các nhà lãnh đạo EU sẽ đóng vai trò quan trọng. Chắc chắn sẽ có một báo cáo về những gì họ đề xuất, cách họ nhìn nhận vấn đề. Tức là, mọi thứ đã được đẩy nhanh rất nhiều”.
Theo phóng viên của hãng tin Interfax-Ukraine, Tổng thống Zelensky cũng lưu ý rằng Hội nghị An ninh Munich đã thay đổi những “tín hiệu của Ukraine”.
“Tôi tin rằng Ukraine đã làm được điều này, đó là nhiệm vụ chính của tôi, và tôi tin rằng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ này”, ông Zelensky nói.
Những đánh giá nêu trên của Tổng thống Ukraine được đưa ra sau khi các quan chức cấp cao của Mỹ có một loạt phát ngôn làm châu Âu và Kiev “sửng sốt”, dẫn tới những thay đổi mạnh mẽ của châu Âu và Kiev.
Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có cuộc điện đàm dài và cực kỳ hiệu quả với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, điều khiến các đồng minh châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Kiev sửng sốt vì họ không được tham vấn trước.
Sau đó, theo đài RT của Liên bang Nga, phát biểu hôm 14/2 tại Hội nghị An ninh Much (MSC), Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đặc biệt gay gắt trong chỉ trích nền dân chủ châu Âu. Ông bày tỏ lo ngại về sự xói mòn các giá trị dân chủ tại châu lục này, nhấn mạnh đến việc hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống ở Romania.
Phó Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo về sự gia tăng kiểm duyệt trong khu vực, kêu gọi các quốc gia thành viên châu Âu phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với quốc phòng của mình, đồng thời bày tỏ lo ngại về làn sóng di cư ồ ạt.
Tiếp theo vào ngày 15/2, hãng tin Reuters cho biết đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga, ông Keith Kellogg, tiếp tục làm châu Âu chấn động khi tuyên bố rằng họ sẽ không có ghế trong bàn đàm phán hòa bình Ukraine, ngay cả sau khi Washington gửi một bản câu hỏi tới các thủ đô châu Âu để hỏi về những gì họ có thể đóng góp cho các đảm bảo an ninh đối với Kiev.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Hội nghị An ninh Munich về triển vọng châu Âu có mặt tại bàn đàm phán hòa bình Nga - Ukraine, ông Kellogg, cho biết: "Tôi là người theo trường phái hiện thực. Tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra. Điều chúng ta không muốn làm là tham gia vào một cuộc thảo luận nhóm lớn".
Cho rằng sự tham gia của châu Âu không cần thiết, ông Kellogg dẫn ví dụ về sự đổ vỡ của thỏa thuận Minsk. "Hãy nhớ lại Minsk-2 - có rất nhiều nhà lãnh đạo châu Âu ở đó và chúng đã thất bại nặng nề", ông Kellogg nói.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chụp ảnh chung tại hội nghị ở Brussels, Bỉ ngày 22/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc này đã thúc đẩy Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào chiều 17/2 tại Paris, theo giờ địa phương, với sự tham dự của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa.
Báo The Guardian của Anh ngày 17/2 cho biết cuộc họp sẽ tập trung vào các năng lực quốc phòng mà châu Âu có thể cung cấp cho Ukraine nhằm đảm bảo các cam kết an ninh đáng tin cậy. Nội dung thảo luận được cho là còn bao gồm kế hoạch để Ukraine tự động trở thành thành viên NATO nếu Liên bang Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn một cách rõ ràng.
Đài phát thanh Thụy Điển ngày 17/2 dẫn lời Ngoại trưởng Maria Malmer Stenergard cho biết Thụy Điển không loại trừ khả năng cử binh sĩ tham gia gìn giữ hòa bình tại Ukraine.
Trước đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng cho biết London sẵn sàng điều lực lượng đến Ukraine để tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình sau khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine đã từ chối một thỏa thuận khoáng sản quan trọng với Mỹ, được Tổng thống Donald Trump thúc đẩy, với lý do thiếu các đảm bảo an ninh cần thiết cho Ukraine.
Phát biểu bên lề Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61, ông Zelensky nhấn mạnh quyết định này được đưa ra để bảo vệ lợi ích quốc gia và tương lai của người dân Ukraine.
Tổng thống Zelensky giải thích rằng mặc dù thỏa thuận đã được thông qua ở cấp bộ trưởng, nhưng với tư cách là người đứng đầu đất nước, ông có quyền và trách nhiệm đảm bảo chất lượng của văn bản này: "Tài nguyên này thuộc về nhân dân Ukraine và phải được bảo vệ cho các thế hệ tương lai".