Lý do máy bay quân sự Y-20 Trung Quốc bất ngờ xuất hiện tại Ai Cập khiến Mỹ lo ngại

Việc triển khai máy bay vận tải quân sự Y-20 của Trung Quốc phản ánh một sự thay đổi địa chính trị rộng lớn hơn, có thể tái định hình các liên minh và cán cân quyền lực tại Trung Đông và Bắc Phi.

Máy bay vận tải J-20. Ảnh: Wiki

Máy bay vận tải J-20. Ảnh: Wiki

Vào một ngày tưởng như bình thường, bầu trời Ai Cập đã chứng kiến một cảnh tượng bất thường: theo dữ liệu theo dõi từ các nền tảng như Flightradar24 và các nguồn tình báo mã nguồn mở, có năm hoặc sáu chiếc máy bay vận tải quân sự Y-20 của Trung Quốc hạ cánh xuống nước này, Sự kiện diễn ra vào giữa tháng 4/2025 này đã thu hút sự tò mò và tranh luận trong giới phân tích cũng như những người yêu thích quân sự. Dù chưa rõ chính xác loại hàng hóa mà các máy bay này chở theo là gì, nhưng sự hiện diện của các máy bay vận tải cỡ lớn này cho thấy mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Ai Cập đang ngày càng sâu sắc, đồng thời gây ra nhiều câu hỏi về tham vọng chiến lược của Bắc Kinh tại khu vực vốn lâu nay chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phương Tây và Liên bang Nga.

Việc triển khai Y-20 – một biểu tượng quan trọng trong năng lực không vận đang tăng trưởng của Trung Quốc – phản ánh một sự thay đổi địa chính trị rộng lớn hơn, có thể tái định hình các liên minh và cán cân quyền lực tại Trung Đông và Bắc Phi.

Y-20 thường được gọi một cách trìu mến là “Cô gái mũm mĩm” trong giới hàng không Trung Quốc vì thân máy bay to lớn, là một thành tựu đáng kể của Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF).

Được phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Tây An, Y-20 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2013 và chính thức được biên chế vào tháng 7/2016, đánh dấu việc Trung Quốc gia nhập nhóm các quốc gia có khả năng tự chế tạo máy bay vận tải quân sự hạng nặng.

Với tổng trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 220.000 kg (485.000 pounds) và khả năng chở tối đa 66 tấn, Y-20 có thể vận chuyển đa dạng các loại trang thiết bị, từ xe tăng, xe bọc thép, binh sĩ đến hàng viện trợ nhân đạo.

Khoang hàng cao khoảng 4 mét, đủ chỗ chứa xe tăng nặng nhất của Trung Quốc như Type 99A, hoặc nhiều xe bọc thép nhẹ như Type 15. Tầm bay của Y-20 thay đổi theo trọng tải: khoảng 7.800 km khi chở 40 tấn, hoặc 4.500 km với tải trọng tối đa, khiến nó trở thành một nền tảng linh hoạt cho các nhiệm vụ tầm xa.

Thông số kỹ thuật của Y-20 đặt nó vào nhóm máy bay vận tải hạng nặng cùng với Boeing C-17 Globemaster III của Mỹ và Ilyushin Il-76 của Liên bang Nga, mặc dù Y-20 vẫn kém hơn C-17 về tải trọng (C-17 là 77 tấn).

Ban đầu, Y-20 sử dụng động cơ Soloviev D-30KP-2 của Liên bang Nga, nhưng các phiên bản mới – được gọi là Y-20B – đã chuyển sang sử dụng động cơ nội địa WS-20 của Trung Quốc do Tập đoàn Thẩm Dương phát triển. Mỗi động cơ WS-20 tạo lực đẩy khoảng 28.660 pounds, giúp cải thiện hiệu suất bay, tiết kiệm nhiên liệu và tăng tầm hoạt động. Việc chuyển sang sử dụng động cơ trong nước phản ánh nỗ lực tự chủ công nghệ quốc phòng của Trung Quốc.

Thiết kế của Y-20 còn tích hợp các công nghệ tiên tiến như in 3D để tối ưu hóa sản xuất và mô hình định nghĩa kỹ thuật số để giảm chi phí chế tạo, khiến Y-20 trở thành một đối thủ hiện đại trong lĩnh vực vận tải quân sự toàn cầu.

Khả năng của Y-20 vượt xa việc chỉ vận chuyển hàng hóa. Các biến thể như Y-20U có thể tiếp dầu trên không, giúp mở rộng tầm hoạt động cho các tiêm kích như J-20 và J-16, trong khi một phiên bản cảnh báo sớm trên không – KJ-3000 – đang trong quá trình thử nghiệm. Những phiên bản này cho thấy Y-20 là một nền tảng đa nhiệm, có thể phục vụ nhiều vai trò khác nhau từ hậu cần chiến đấu đến phô trương sức mạnh chiến lược.

Y-20 còn có thể hoạt động ở những điều kiện khắc nghiệt như sân bay vùng cao hay đường băng chưa trải nhựa, rất phù hợp với mục tiêu mở rộng hiện diện quân sự toàn cầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều khiến việc Y-20 xuất hiện tại Ai Cập trở nên đáng chú ý không chỉ là công nghệ, mà còn là bối cảnh mối quan hệ Trung Quốc và Ai Cập đang phát triển.

Ai Cập có vị trí chiến lược tại ngã ba giữa châu Phi, Trung Đông và Địa Trung Hải. Nước này kiểm soát kênh đào Suez, một tuyến giao thương hàng hải thiết yếu toàn cầu, và có quân đội lớn mạnh và có ảnh hưởng trong khu vực.

Trong nhiều thập kỷ, Ai Cập duy trì sự cân bằng giữa các nhà cung cấp vũ khí phương Tây, Liên bang Nga và châu Âu, đặc biệt là Mỹ, Liên bang Nga và Pháp. Tuy nhiên, những năm gần đây, Cairo ngày càng hướng đến Trung Quốc để đa dạng hóa kho vũ khí, xuất phát từ cả lý do kinh tế và chiến lược.

Theo chuyên trang quốc phòng Simple Flying, Ai Cập đã gặp khó khăn trong việc mua các tiêm kích tiên tiến từ Liên bang Nga và Mỹ, dẫn đến việc thảo luận với Trung Quốc về khoảng 12 chiếc tiêm kích J-10C. Dù chưa có hợp đồng nào được xác nhận tính đến đầu năm 2025, nhưng sự hiện diện của J-10 tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Ai Cập vào tháng 9/2024, nơi chúng bay cùng Y-20 qua kim tự tháp Giza, cho thấy sự hợp tác quốc phòng giữa hai nước đang rất tích cực.

Ai Cập cũng đã mua các UAV Wing Loong-1D của Trung Quốc, có năng lực tương đương MQ-9 Reaper của Mỹ nhưng giá thành rẻ hơn, càng củng cố mối quan hệ đang phát triển giữa hai bên.

Việc các máy bay Y-20 đến Ai Cập vào tháng 4/2025 khiến nhiều người suy đoán rằng chúng chở theo thiết bị quân sự, dù chưa có bằng chứng cụ thể nào xác nhận nội dung hàng hóa.

Một số người thắc mắc: Liệu có thể các máy bay này đã chở tiêm kích J-10 hay không? Trên lý thuyết, khoang hàng của Y-20 đủ lớn để chứa một chiếc chiến đấu cơ đã được tháo rời, nhưng việc vận chuyển như vậy là rất hiếm và phức tạp.

Khả năng cao hơn là các máy bay này chở UAV, hệ thống tên lửa hoặc xe chiến đấu mặt đất, phù hợp với xu hướng mua sắm của quân đội Ai Cập.

Ví dụ, hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc, một loại tên lửa đất đối không tầm xa tương tự S-300 của Liên bang Nga, đã được quảng bá rộng rãi tại Trung Đông và có thể tăng cường năng lực phòng thủ của Ai Cập. Ngoài ra, các hệ thống vũ khí nhẹ hơn như tên lửa chống hạm hoặc pháo binh cũng có thể phù hợp với khả năng tải của Y-20, góp phần hiện đại hóa quân đội Ai Cập.

Ngoài câu hỏi về hàng hóa, việc triển khai máy bay Y-20 tới Ai Cập mang những hàm ý sâu rộng hơn. Chuyến bay đường dài của máy bay này – nhiều khả năng vượt quá 10.000 km từ Trung Quốc – thể hiện khả năng của PLAAF trong việc phô diễn sức mạnh vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

Như chuyên gia quân sự Trung Quốc Vương Minh Trí đã lưu ý trong một báo cáo của Tân Hoa xã năm 2024, các hoạt động như vậy là dịp để kiểm tra kỹ năng của phi công và thể hiện tầm với hậu cần của Trung Quốc, như một tín hiệu gửi đến cả đồng minh và đối thủ rằng Bắc Kinh có thể duy trì hoạt động tại những chiến trường xa xôi.

Năng lực này phản ánh vai trò vận tải chiến lược mà từ lâu Mỹ và Liên bang Nga đã đảm nhiệm, với các máy bay C-17 và Il-76 hỗ trợ các nhiệm vụ toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Đối với Trung Quốc, Y-20 không chỉ đơn thuần là một công cụ vận tải, mà còn là biểu tượng cho tham vọng cạnh tranh với các cường quốc này, mở rộng ảnh hưởng sang những khu vực mà Trung Quốc trước đây chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Trường hợp của Ai Cập (được cho là ngày càng ngả về phía Trung Quốc) phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn tại Trung Đông và châu Phi, nơi các quốc gia đang đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, tránh lệ thuộc vào các nhà cung cấp truyền thống. Ví dụ, Saudi Arabia đã ký hợp đồng mua vũ khí trị giá 4 tỷ USD với Trung Quốc vào năm 2022, bao gồm cả máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo, theo Bloomberg.

Algeria đã mua tàu hộ vệ và máy bay không người lái của Trung Quốc, trong khi Nigeria được coi là khách hàng tiềm năng cho Y-20. Những diễn biến này cho thấy Bắc Kinh đang định vị mình như một đối thủ cạnh tranh khả thi với thị trường vũ khí phương Tây và Liên bang Nga, nhờ vào mức giá cạnh tranh và ít ràng buộc chính trị hơn.

Đối với Ai Cập, thắt chặt quan hệ với Trung Quốc có thể tạo lợi thế trong đàm phán với Washington – quốc gia đôi khi đã đình chỉ viện trợ hoặc chuyển giao thiết bị do các lo ngại về nhân quyền.

Bối cảnh lịch sử về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại khu vực này càng làm cho sự kiện trở nên đáng chú ý. Trong những năm 1950 và 1960, Trung Quốc từng ủng hộ các phong trào chống thực dân tại châu Phi, nhưng vai trò đó chủ yếu mang tính tư tưởng chứ không mang tính vật chất.

Sau Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh chuyển trọng tâm sang đầu tư kinh tế, với các sáng kiến như “Vành đai và Con đường” (BRI) ràng buộc các quốc gia như Ai Cập vào các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ. Tuy nhiên, hợp tác quân sự mới chỉ được đẩy mạnh gần đây.

Việc Y-20 lần đầu tiên xuất hiện tại nước ngoài trong triển lãm hàng không quốc tế Ai Cập năm 2024, theo tường thuật của Global Times, đánh dấu một cột mốc trong sự chuyển mình này, cho thấy Trung Quốc sẵn sàng trình diễn khí tài quân sự trên đất châu Phi. Sự kiện này, cùng với màn biểu diễn của Đội nhào lộn trên không Bayi của PLAAF trên bầu trời kim tự tháp Giza, cho thấy một nỗ lực có chủ đích nhằm kết hợp ngoại giao quân sự với biểu tượng văn hóa.

Về mặt hoạt động, Y-20 đã chứng minh giá trị trong nhiều bối cảnh khác nhau. Năm 2020, nó được sử dụng để chở nhân viên y tế và vật tư đến Vũ Hán trong giai đoạn đầu đại dịch COVID-19, thể hiện khả năng tham gia các nhiệm vụ dân sự. Trên trường quốc tế, máy bay này đã hỗ trợ các cuộc tập trận chung tại Tanzania và vận chuyển hệ thống tên lửa đến Serbia vào năm 2022, bay qua Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những nhiệm vụ này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Y-20 trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, từ viện trợ nhân đạo đến vận chuyển vũ khí. Việc PLAAF mở rộng nhanh chóng đội bay Y-20 – với 67 chiếc đi vào hoạt động tính đến năm 2023 theo Aviation Week – cho thấy cam kết lâu dài với vận tải chiến lược, với dự đoán rằng con số này có thể vượt 100 chiếc vào năm 2032.

Đối với Mỹ, sự hiện diện của Y-20 tại Ai Cập đặt ra nhiều câu hỏi chiến lược. Washington từ lâu coi Cairo là một đồng minh then chốt, đã cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự kể từ Hiệp định Trại David năm 1979. Mỹ cung cấp cho Ai Cập máy bay chiến đấu F-16, trực thăng Apache và xe tăng M1 Abrams, nhưng việc trì hoãn phê duyệt các hệ thống tiên tiến như F-35 khiến các quan chức Ai Cập thất vọng.

Việc Trung Quốc sẵn sàng lấp đầy khoảng trống đó, cung cấp các nền tảng như J-10C hoặc máy bay không người lái Wing Loong, có thể làm xói mòn ảnh hưởng của Mỹ – đặc biệt nếu Bắc Kinh đi kèm với các gói huấn luyện và bảo dưỡng. Israel, một đồng minh thân cận khác của Mỹ, cũng có thể lo ngại trước dấu ấn ngày càng rõ nét của Trung Quốc – nhất là khi Ai Cập có vị trí gần và sức mạnh quân sự đáng kể.

Tác động khu vực lan rộng tới nhiều bên liên quan khác. Liên bang Nga, một nhà cung cấp vũ khí truyền thống cho Ai Cập, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các sản phẩm giá rẻ hơn của Trung Quốc. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), vốn thận trọng với ảnh hưởng bên ngoài đối với kênh đào Suez, có thể sẽ điều chỉnh lại chiến lược quốc phòng của mình.

Trong khi đó, khả năng hoạt động tại châu Phi của Y-20 cho thấy Trung Quốc có thể hỗ trợ triển khai nhanh trong các cuộc khủng hoảng tương lai, từ các sứ mệnh gìn giữ hòa bình đến bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Sự xuất hiện của máy bay tại Ai Cập là một lời nhắc nhở về “bộ công cụ” ngày càng mở rộng của Bắc Kinh – kết hợp năng lực quân sự với tiếp cận ngoại giao.

Xét từ góc độ công nghệ, quá trình phát triển của Y-20 phản ánh sự trưởng thành của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Dù ban đầu Y-20 bị so sánh với C-17 của Mỹ, nhưng nó có những đặc điểm riêng biệt, bao gồm ảnh hưởng thiết kế từ Cục thiết kế Antonov của Liên bang Nga.

Động cơ WS-20 – hiện đã được đưa vào sử dụng – giải quyết một nút thắt lâu nay trong ngành hàng không Trung Quốc, nơi công nghệ động cơ từng tụt hậu so với thiết kế khung thân máy bay.

Ngược lại, C-17 đã được tinh chỉnh qua nhiều thập kỷ, đi kèm mạng lưới hỗ trợ toàn cầu mà Trung Quốc hiện chưa thể sánh bằng. Tuy nhiên, tốc độ sản xuất nhanh chóng của Y-20 – được các chuyên gia năm 2023 mô tả là “cực kỳ nhanh” – cho thấy Bắc Kinh đang thu hẹp khoảng cách, tận dụng quy mô để thách thức sự thống trị của phương Tây.

Chuyến thăm của Y-20 tới Ai Cập mở ra nhiều suy ngẫm về sự dịch chuyển trong cán cân quyền lực toàn cầu. Đối với độc giả Mỹ, đây là một lời cảnh tỉnh: một cường quốc đang trỗi dậy đang vươn tay vào khu vực vốn từ lâu được xem là thành trì của phương Tây.

Dù hàng hóa trên máy bay là máy bay không người lái, tên lửa hay thứ gì khác, thì điều đó ít quan trọng hơn thông điệp mà nó mang theo – Trung Quốc đã đến, và họ không có ý định rời đi. Sự kiện này có thể chưa phải là khởi đầu cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng nó nhấn mạnh rằng thế giới đang trở nên đa cực, nơi ảnh hưởng được tranh giành không chỉ bằng vũ khí, mà bằng sự hiện diện và các mối quan hệ đối tác.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ là Mỹ và các đồng minh sẽ phản ứng ra sao. Liệu họ sẽ tăng cường gắn kết với Ai Cập, hay sẽ nhường sân chơi cho một đối thủ đang ngày càng quyết đoán? Chỉ có thời gian – và có lẽ là chuyến bay Y-20 tiếp theo – mới có thể trả lời.

Thành Nam/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-may-bay-quan-su-y20-trung-quoc-bat-ngo-xuat-hien-tai-ai-cap-khien-my-lo-ngai-20250416223753347.htm
Zalo