Tổng thống Ukraine khẳng định 'sẵn sàng' đàm phán với Nga
Tổng thống Ukraine ngày 12/3 khẳng định ông sẵn sàng đàm phán với Nga và thỏa hiệp với Moscow, đồng thời đề nghị Thủ tướng Israel Naftali Bennett đăng cai cuộc gặp đó ở Jerusalem.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12/3 thông báo tiến trình đàm phán giải quyết khủng hoảng giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Theo đó, ông Vladimir Medinsky, Trưởng phái đoàn của Nga trong những cuộc đàm phán trực tiếp trước đó vẫn tiếp tục giữ vai trò này trong những cuộc đàm phán theo hình thức trực tuyến.
Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng ngày đã khẳng định ông sẵn sàng đàm phán với Nga và thỏa hiệp với Moscow, đồng thời đề nghị Thủ tướng Israel Naftali Bennett đăng cai cuộc gặp đó ở Jerusalem.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo ở Kiev vào ngày 12/3
Tổng thống Ukraine đã bày tỏ hi vọng đàm phán hòa bình sẽ đạt kết quả thực tế. Ông Zelensky cho biết, các chuyên gia đàm phán của hai bên đã bắt đầu thảo luận những vấn đề cụ thể, thay vì thay nhau đưa ra các tối hậu thư.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, mọi cuộc đàm phán cấp cao với Nga nên được tổ chức tại một vùng lãnh thổ trung lập, đồng thời gợi ý Israel là một địa điểm đăng cai tiềm tàng.
Sputnik dẫn phát biểu của Tổng thống Zelensky trong một buổi họp báo nêu rõ: “Tôi hoan nghênh tín hiệu từ Nga... Tôi đã thực hiện hàng trăm cuộc trao đổi với lãnh đạo các nước, với họ, tôi đã đưa ra mọi cơ hội để làm trung gian tổ chức một cuộc gặp (với phía Nga). Nga chưa bao giờ cho rằng khả năng này tồn tại. Hôm nay (ngày 12/3), tôi tuyên bố: Đúng, chúng tôi đã sẵn sàng”.
Tổng thống Zelensky nói: “Một nhóm các đại diện của Ukraine và Nga đang thảo luận những vấn đề cụ thể. Họ đã bắt đầu thương lượng về một điều gì đó, chứ không chỉ trao cho nhau các tối hậu thư… Chúng tôi đã trao đổi với Thủ tướng Israel Naftali Bennett, và tôi nói rằng việc tổ chức các cuộc gặp ở Nga, ở Belarus là không phù hợp. Tôi không nói đến các cuộc gặp cấp chuyên viên, mà là về cuộc gặp cấp lãnh đạo. Tôi nghĩ Israel có thể là một địa điểm và đó là Jerusalem? Tôi đã nói với ông Bennett điều ấy".
Trong phát biểu mới nhất trước truyền thông quốc tế này, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine không muốn chiến tranh và điều này nên được ghi rõ bằng văn bản với các nước láng giềng. Ông tuyên bố Ukraine cần được đảm bảo an ninh, không chỉ từ phía Nga mà còn từ phía các nhà lãnh đạo phương Tây.
Liên quan đến tiến trình tìm kiếm giải pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, ngày 12/3, sau cuộc điện đàm kéo dài gần 2 giờ đồng hồ, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhất trí tiếp tục xúc tiến những cuộc tiếp xúc về vấn đề Ukraine trong thời gian tới.
Thông cáo báo chí của Điện Kremlin cho biết, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đã thông báo với 2 nhà lãnh đạo Pháp và Đức về tình hình nhân đạo thực tế tại các khu vực Nga triển khai hoạt động quân sự đặc biệt tại Donbass, miền Đông Ukraine.
Điện Kremlin cũng cho biết, Tổng thống Nga đã thông báo chi tiết về các cuộc hội đàm giữa đại diện Nga và Ukraine diễn ra trong những ngày gần đây. Về vấn đề này, lãnh đạo ba nước đã xem xét một số vấn đề liên quan đến các thỏa thuận về hiện thực hóa các yêu cầu của Nga và nhất trí tiếp tục những cuộc tiếp xúc về các vấn đề Ukraine.
Một nhà kho ở làng Kvitneve thuộc khu vực Kiev bốc cháy sau khi trúng pháo ngày 12/3
Trong bối cảnh Washington tăng cường sức ép với Moscow liên quan tới chiến dịch quân sự tại Ukraine, ngày 11/3, Mỹ đã công bố lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ sang Nga và Belarus, trong đó có đồ trang sức, quần áo và xe cộ.
Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Mỹ lưu ý lệnh cấm này mở rộng đối với "một số nhà tài phiệt nhất định của Nga và Belarus và các nhân tố xấu trên toàn thế giới". Theo bộ này, các biện pháp kiểm soát như vậy trước đây chỉ áp dụng với Triều Tiên.
Cụ thể, phía Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt đối với tỷ phú Nga Viktor Vekselberg, 3 thành viên trong gia đình của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov và các nghị sĩ Nga. Ngoài ra còn có 10 thành viên ban lãnh đạo VTB Bank - ngân hàng lớn thứ 2 ở Nga, và 12 thành viên Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga. Ngoài ra, 4 thành viên trong ban lãnh đạo ngân hàng Novikombank của Nga, trong đó có nữ Chủ tịch Elena Aleksandrovna Georgieva, và công ty ABR Management cùng 4 thành viên ban lãnh đạo của doanh nghiệp này cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày cũng tuyên bố nước này và các đồng minh sẽ chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga. Ông cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu rượu vodka, kim cương và hải sản của Nga.
Cùng ngày, đài RT (Nga) đưa tin Mỹ đã cấm xuất khẩu, xuất khẩu lại, bán hoặc cung cấp dù là trực tiếp hay gián tiếp tiền USD từ Mỹ cho Chính phủ Nga hoặc người ở Nga. Đây là một động thái nữa mà Mỹ thực hiện để tăng cường sức ép kinh tế với Nga.
Trước đó, ngày 2/3, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cấm xuất khẩu và nhập khẩu tiền giấy euro sang Nga. Chỉ có ngoại lệ dành cho các cá nhân đến Nga, các phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế có quyền miễn trừ pháp lý.
Ngày 24/2 vừa qua, Tổng thống Putin đã thông báo về một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của lãnh đạo các vùng lãnh thổ tại Donbass. Ông nhấn mạnh rằng, các kế hoạch của Moscow không bao gồm việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine, mà nhằm mục tiêu là phi quân sự hóa và quy chế trung lập của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội nước này không tấn công vào các thành phố, mà chỉ vô hiệu hóa các cơ sở hạ tầng quân sự, vì vậy không có nguy cơ đe dọa đến dân thường. Sau đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) Anh và một số quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân Nga.
Kể từ khi xung đột Nga và Ukraine diễn ra ngày 24/2 tới nay, hai bên đã tiến hành ba vòng đàm phán cấp chuyên viên ở biên giới Belarus và một vòng đàm phán cấp ngoại trưởng tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, hãng thông tấn TASS đưa tin Tổng thống Zelensky hôm 10/3 cũng tuyên bố cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua cuộc đối thoại trực tiếp giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin.