Mục đích chuyến đi khẩn trương của Ngoại trưởng Mỹ tới Brussels sau khi ông Trump đắc cử
Ngày 12/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến công du khẩn tới Brussels để thảo luận về cách thức hỗ trợ Ukraine cùng với các đồng minh châu Âu trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức tiếp quản Nhà Trắng.
Dẫn thông báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, hãng tin AP cho biết trong ngày 13/11, Ngoại trưởng Blinken dự kiến gặp những người đồng cấp của Liên minh châu Âu (EU) và NATO để thảo luận việc hỗ trợ Ukraine phòng thủ trước các hoạt động quân sự của Nga.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP, máy bay chở Ngoại trưởng Blinken đã xuất phát khỏi Căn cứ Không quân Andrews sau hơn 2 giờ bị hoãn do sự cố kỹ thuật.
Sự kiện ứng viên đảng Cộng hòa cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử vào ngày 5/11 vừa qua cùng với cuộc khủng hoảng chính trị ở Đức đã làm gia tăng nỗi lo ngại ở châu Âu về tương lai viện trợ cho Ukraine trong bối cảnh quốc gia này đang gặp nhiều thách thức trước cuộc chiến dài hơi với Nga.
Trước đây, Tổng thống đắc cử Trump thường xuyên công khai quan điểm phản đối các khoản viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine. Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn, ông Marco Rubio, người được ông Trump lựa chọn để kế nhiệm Ngoại trưởng Blinken, nói rằng Mỹ cần thừa nhận cuộc chiến ở Ukraine là một "bế tắc" và nên thể hiện chủ nghĩa thực dụng khi đề cập đến chuyện hỗ trợ họ trong tương lai.
Tổng thống đắc cử Trump nói rằng ông có thể kết thúc xung đột Nga-Ukraine trong “24 giờ”. Trong một bài viết xuất bản vào tuần trước dẫn lời một nguồn tin ẩn danh, báo Wall Street Journal cho hay một trong những kế hoạch đang được chính quyền mới của ông Trump xem xét bao gồm việc Kiev hoãn tham vọng gia nhập NATO trong vòng 20 năm và đóng băng cuộc xung đột dọc theo chiến tuyến hiện tại.
Tuy nhiên, Mike Waltz - Cố vấn An ninh quốc gia mới được bổ nhiệm của ông Trump - mới đây cũng đã nói rằng tổng thống đắc cử của Mỹ cũng có thể gây sức ép với người đồng cấp Nga Putin.
Theo tờ Washington Post, sau khi đắc cử, ông Trump đã điện đàm với Tổng thống Putin và khuyến khích Nga không nên leo thang căng thẳng, song Điện Kremlin bác bỏ thông tin này.
Chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã nói rõ rằng họ có kế hoạch trong những tuần còn lại để viện trợ nốt 9 tỷ USD trong nguồn ngân sách được Quốc hội phân bổ nhằm mua vũ khí và hỗ trợ an ninh khác cho Ukraine.
“Cách tiếp cận của chúng tôi vẫn giống như trong hơn 2 năm, đó là đưa Ukraine vào vị thế mạnh nhất có thể trên chiến trường để cuối cùng nước này có được ưu thế trên bàn đàm phán”, Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Biden, nói trên chương trình "Face The Nation" của đài CBS News.
Theo ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, từ nay đến cuối năm, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ cố gắng chuyển giao mọi thứ có thể có cho Ukraine.
Về phần châu Âu, lãnh đạo các nước châu lục này khẳng định họ kiên định hỗ trợ cho Kiev.
Bà Olena Prokopenko làm việc cho Quỹ Marshall Đức của Mỹ nhận định: “Có thể nói rằng bất kỳ cách tiếp cận nào mà lãnh đạo Mỹ thực hiện đối với Ukraine, châu Âu sẽ phải tăng cường và chúng tôi sẽ phải đi đầu trong việc hỗ trợ các nỗ lực quốc phòng và ổn định tài chính vĩ mô của Ukraine. Tuy nhiên, thật không may, chiến thắng của ông Donald Trump lại đến vào thời điểm được cho là tồi tệ nhất có thể về mặt chính trị và kinh tế của châu Âu cũng như khả năng phối hợp kịp thời của châu Âu”.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống đắc cử Trump thường xuyên hối thúc các đồng minh châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng và đặt câu hỏi về tính công bằng của tổ chức quân sự NATO.