Tổng thống Trump và cam kết kỷ nguyên vàng của nước Mỹ

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Trump đã vạch nhiều những bước đi nhằm thực hiện chương trình nghị sự sâu rộng với mục tiêu tạo kỷ nguyên vàng của nước Mỹ.

Tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 47, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh dấu màn trở lại đầy ngoạn mục của mình với tuyên bố "kỷ nguyên vàng của nước Mỹ bắt đầu ngay bây giờ". Biểu hiện rõ ràng nhất cho sự quyết liệt của vị tân tổng thống Mỹ là việc ông Trump ký hàng loạt sắc lệnh liên quan đối nội lẫn đối ngoại ngay ngày đầu nhậm chức hướng đến mục tiêu này.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến vào Điện Capitol hôm nhậm chức 20-1. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến vào Điện Capitol hôm nhậm chức 20-1. Ảnh: GETTY IMAGES

Kỷ nguyên vàng của nước Mỹ

Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20-1, Tổng thống Trump cam kết sẽ mở ra “một kỷ nguyên mới đầy phấn khích về thành công của quốc gia”.

“Kỷ nguyên vàng của nước Mỹ bắt đầu ngay bây giờ. Từ ngày này trở đi, đất nước chúng ta sẽ phát triển và được tôn trọng trở lại trên toàn thế giới… ” - ông Trump nói, một lần nữa nhắc lại chủ trương của ông “đặt nước Mỹ lên hàng đầu”.

Tổng thống Trump mô tả một cách cụ thể danh sách các ưu tiên chính sách trong bốn năm tới và ám chỉ rằng ông hy vọng nhiệm kỳ thứ hai của mình sẽ tập trung và có tầm nhìn xa hơn nhiệm kỳ đầu tiên, theo tờ Politico. Các sắc lệnh ông Trump ký trong ngày nhậm chức trải dài rất nhiều nội dung, từ các vấn đề từ nhập cư, năng lượng, đến thành lập “Bộ Hiệu suất Chính phủ” (DOGE), đến TikTok...

Trở lại Nhà Trắng lần này, ông Trump quyết liệt ngay từ đầu về các vấn đề nhập cư. Các sắc lệnh ông Trump ký cho phép ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía nam, khôi phục chính sách "Ở lại Mexico", kêu gọi tăng cường kiểm tra và sàng lọc những người di cư vào Mỹ.

Liên quan việc siết nhập cư còn có nhiều sắc lệnh nữa, ngừng công nhận quyền công dân tự động đối với trẻ em sinh tại Mỹ nhưng cha mẹ chỉ có visa tạm thời hoặc là người nhập cư bất hợp pháp, tạm dừng tiếp nhận người tị nạn, chỉ định một số băng đảng là tổ chức khủng bố nước ngoài.

Với sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng, Tổng thống Trump khuyến khích và mở đường cho việc tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên của Mỹ.

Một quyết tâm nữa của Tổng thống Trump qua việc ông ký sắc lệnh thành lập “Bộ Hiệu suất Chính phủ” (DOGE) sẽ do tỉ phú Elon Musk lãnh đạo.

Nhiều sắc lệnh đối ngoại mà Tổng thống Trump ký nếu xét kỹ có liên quan trực tiếp đến quyền lợi trong nước Mỹ. Với nền tảng TikTok, Tổng thống Trump ký sắc lệnh hoãn việc thực thi lệnh cấm nền tảng này hoạt động tại Mỹ trong 75 ngày nữa, nhằm tạo điều kiện đàm phán về số phận TikTok, mà ông Trump vừa "bật đèn xanh" cho tỉ phú Musk mua lại.

Tương tự, có thể nhìn thấy lợi ích trước tiên cho Mỹ ở các sắc lệnh rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Ông Trump cũng nhắc lại mong muốn lấy lại Kênh đào Panama, đổi tên Vịnh Mexico thành "Vịnh Mỹ” hay đưa người lên sao Hỏa trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Tờ Politico nhận định bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Trump đã thể hiện tất cả những gì mà những người ủng hộ ông hy vọng: Vô cùng hào hứng về ý định tái thiết chính quyền liên bang; tuyên bố rằng đất nước sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để thúc đẩy lợi ích của mình trên toàn cầu; công khai tuyên bố chiến thắng khi khẳng định niềm tin rằng việc ông sống sót sau viên đạn của kẻ ám sát và chiến thắng của ông cho thấy ông là người được Chúa chọn để lãnh đạo sự hồi sinh của nước Mỹ.

Thuận lợi nhiều, song thách thức không ít

Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng lần này với nhiều sự ủng hộ và thuận lợi hơn so với nhiệm kỳ đầu. Đảng Cộng hòa kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện quốc hội Mỹ, chưa kể còn có đa số bảo thủ tại Tòa án Tối cao.

Ông Trump đã mở rộng hơn liên minh đảng Cộng hòa trong chiến dịch của mình, thu hút thêm nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động và người da màu và người gốc Tây Ban Nha, chủ yếu nhờ thông điệp kinh tế của ông. Lạm phát đã giảm đáng kể sau đại dịch và Tổng thống Trump thừa hưởng một nền kinh tế mạnh mẽ nói chung, theo tờ Wall Street Journal.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh ngày 20-1. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh ngày 20-1. Ảnh: GETTY IMAGES

Động thái ký hàng loạt sắc lệnh quan trọng, sát sườn trong ngày nhậm chức của Tổng thống Trump đặc biệt thu hút sự chú ý của giới quan sát.

“Đây giống như một chiến dịch gây sốc và kinh ngạc về lệnh hành pháp. Sự sốc và kinh ngạc này nhằm gửi một thông điệp đến những người chỉ trích ông và quan trọng hơn là đến cử tri, những người ủng hộ ông, rằng ông đã trở lại, và ông sẽ cố gắng thực hiện những lời hứa trong chiến dịch của mình, và ông sẽ làm điều đó một cách quyết liệt” - nhà sử học chính trị Matthew Dallek tại ĐH George Washington (Mỹ) nhận xét.

Các sắc lệnh cũng đem lại cho những người ủng hộ ông Trump cảm giác về sự tiến bộ, trong khi chuyển áp lực chính trị sang những đối thủ của ông nếu họ cố gắng đảo ngược các hành động mà ông đã hứa với cử tri.

“Ông ấy muốn hành động mạnh dạn và ngay lập tức. Việc đẩy nhanh ký các sắc lệnh cho phép tổng thống tuyên bố chiến thắng về chính sách ngay từ ngày đầu tiên thay vì 100 ngày đầu tiên. Các tổng thống không chỉ quan tâm đến những gì họ thông qua mà còn quan tâm đến những gì họ được nhìn thấy đang bảo vệ… Và ngay cả khi nó bị tòa án hoặc tổng thống tiếp theo lật ngược, tổng thống đương nhiệm đã đưa ra lời kêu gọi rõ ràng cho những gì mình bảo vệ và đã mang lại ít nhất một chiến thắng tạm thời” - GS Thad Kousser thuộc ĐH California nhận định.

Nhiều lợi thế, song Tổng thống Trump chắc chắn sẽ phải đối mặt rất nhiều gian nan và thách thức để có thể đạt được mục tiêu "kỷ nguyên vàng của nước Mỹ".

Điều có thể dễ dàng dự báo là nhiều sắc lệnh của ông Trump có khả năng sẽ bị vướng vào các cuộc chiến pháp lý trong nhiều năm tới. Ngay trong ngày 21-1, một loạt tiểu bang do đảng Dân chủ lãnh đạo và các nhóm dân quyền đã đệ đơn kiện Tổng thống Trump việc ông ký sắc lệnh bãi bỏ quyền công dân theo nơi sinh.

Cụ thể, 22 hai tiểu bang do đảng Dân chủ lãnh đạo, cùng đặc khu Columbia và TP San Francisco, đã nộp đơn kiện lên các tòa án liên bang ở TP Boston (bang Massachusetts) và TP Seattle (bang Washington), cáo buộc hành động của ông Trump vi phạm Hiến pháp Mỹ. Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) và các tổ chức bảo vệ quyền của người nhập cư cũng đệ đơn kiện, mở đầu cho cuộc chiến pháp lý lớn đầu tiên chống lại chính quyền ông Trump.

Bên cạnh đó có 3 vụ kiện đã được các nhóm lợi ích công cộng đệ trình, nhằm vào “Bộ Hiệu suất Chính phủ” (DOGE). Các nhóm này cho rằng DOGE vi phạm luật về tính minh bạch đối với các nhóm cố vấn của chính phủ, , theo tạp chí National Interest.

Ngoài ra, các vấn đề mà Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt trong những tháng tới cũng khó nhằn không kém, đứng đầu trong số đó là gia hạn các cắt giảm thuế liên bang vào năm 2017 và nâng trần nợ. Với thế đa số mỏng manh ở Hạ viện, ông Trump có thể sẽ phải thỏa hiệp với đảng Dân chủ để đạt được sự thông qua dự luật thuế để đổi lấy việc nâng giới hạn nợ, hoặc ông có thể đi đến một thỏa thuận lớn bao gồm việc hủy bỏ trần nợ.

Theo tờ Wall Street Journal, tất cả các tổng thống hiện đại đều sử dụng một loạt các sắc lệnh để chứng minh bằng chứng về sự tiến bộ trong những khoảnh khắc đầu tiên của nhiệm kỳ của họ, tuy nhiên với những thách thức trước mắt, những nỗ lực đó không phải lúc nào cũng đạt được thành công hoàn toàn.

Triển vọng quan hệ Mỹ-Trung

Theo hãng tin Reuters, việc Tổng thống Trump bất ngờ hoãn áp thuế đối với Trung Quốc vào ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng làm dấy lên triển vọng xích lại gần nhau khi cả hai bên đều muốn đạt được lợi ích từ nhau thay vì gây hại cho nhau.

Trong bài phát biểu sau lễ nhậm chức, Tổng thống Trump đã tránh nhắc đến Trung Quốc, ngay cả khi ông nói rằng thuế quan sẽ khiến Mỹ "giàu khủng khiếp". Điều này mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán mới với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo các chuyên gia, khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, Bắc Kinh và Washington thấy mình cần một lộ trình mới để thúc đẩy các mục tiêu và bảo vệ lợi ích, mặc dù các vấn đề chưa được giải quyết trước đây như thỏa thuận thương mại năm 2020 có thể làm xáo trộn những ẩn ý hiện tại.

“Ông Trump muốn có một thỏa thuận. Nếu không, ông ấy đã nhắm vào Trung Quốc ngay từ ngày đầu tiên. Ông ấy đã tiến hành một chiến dịch [tranh cử] rất mạnh mẽ đối với Trung Quốc, và sau đó vào ngày đầu tiên đã tránh xa nó” - Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, lý giải.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-thong-trump-va-cam-ket-ky-nguyen-vang-cua-nuoc-my-post831269.html
Zalo