Tổng thống Trump đóng cửa USAID: Lợi thế cho Trung Quốc và Nga?
Quyết định đóng cửa USAID của Tổng thống Trump khiến hơn 40 tỷ USD viện trợ toàn cầu bị đình trệ, mở đường cho Trung Quốc và Nga gia tăng ảnh hưởng.
Quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang tạo ra những tác động địa chính trị sâu rộng, mở đường cho Trung Quốc và Nga gia tăng ảnh hưởng kinh tế trên toàn cầu.
Khi hàng tỷ USD viện trợ bị đóng băng, nhiều quốc gia đang phát triển có thể chuyển hướng sang Bắc Kinh và Moscow để tìm kiếm hỗ trợ tài chính và quân sự, làm thay đổi cán cân quyền lực tại các khu vực trọng yếu đối với lợi ích của Mỹ.
USAID - Công cụ kinh tế quan trọng của Mỹ
USAID, được thành lập năm 1961 dưới thời Tổng thống John F. Kennedy, từ lâu đã trở thành trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cung cấp viện trợ nhân đạo, tài trợ phát triển và hỗ trợ chiến lược cho nhiều quốc gia trên thế giới. Cơ quan này từng đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại ảnh hưởng của Liên Xô trước đây và Trung Quốc sau này tại các nước đang phát triển.
Việc đóng cửa đột ngột USAID khiến nhiều nhà ngoại giao, tổ chức viện trợ và lãnh đạo toàn cầu lo ngại về những hậu quả kinh tế và chính trị. Trước khi bị giải thể, USAID phân bổ hơn 40 tỷ USD mỗi năm cho các chương trình như phòng chống HIV/AIDS tại châu Phi, ổn định các khu vực có xung đột và hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga. Việc ngừng tài trợ ngay lập tức đã gây xáo trộn nghiêm trọng trong các chương trình viện trợ trên toàn cầu.
Thượng nghị sĩ Andy Kim của bang New Jersey nhận định: "Hành động của ông Trump đang làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Viện trợ nước ngoài không chỉ giúp chống lại bệnh tật và nạn đói mà còn là công cụ quan trọng để hạn chế sự mở rộng ảnh hưởng của các chính quyền chuyên chế như Trung Quốc, Nga và Iran".
Trung Quốc tận dụng khoảng trống để mở rộng ảnh hưởng kinh tế
Việc Mỹ rút khỏi vai trò nhà tài trợ lớn nhất thế giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc mở rộng dấu ấn kinh tế tại các nước đang phát triển. Thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Bắc Kinh đã đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng, đảm bảo quyền tiếp cận nguồn tài nguyên quan trọng và các tuyến thương mại chiến lược.
Khác với USAID chủ yếu cung cấp viện trợ không hoàn lại, Trung Quốc thường cấp các khoản vay được chính phủ hậu thuẫn, tạo ra sự phụ thuộc kinh tế lâu dài cho các nước đi vay. Điều này giúp Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Hiện Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia châu Phi và tài trợ hàng loạt dự án hạ tầng như đường cao tốc, đường sắt và nhà máy năng lượng.
Trước đây, Mỹ đã sử dụng các chương trình viện trợ mềm để đối trọng với sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc loại bỏ USAID đồng nghĩa với việc Washington mất đi một trong những công cụ ngoại giao kinh tế mạnh mẽ nhất.
Theo Bloomberg Economics, "dù Bắc Kinh có thể không lấp đầy toàn bộ khoảng trống hàng tỷ USD mà USAID để lại, nhưng Trung Quốc đã là nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Việc Mỹ rút lui chỉ giúp Bắc Kinh củng cố thêm vị thế kinh tế và chính trị của mình".
Nga củng cố vị thế địa chính trị
Cũng giống như Trung Quốc, Nga có thể hưởng lợi từ quyết định của chính quyền Tổng thống Trump. Trong nhiều năm, USAID đã đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định các quốc gia hậu Xô Viết, hỗ trợ phong trào dân chủ và đối trọng với ảnh hưởng của Moscow tại Đông Âu và Trung Á.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, một trong những đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, đã bình luận trên mạng xã hội: "Một bước đi khôn ngoan của Elon Musk khi giúp bịt miệng USAID. Hy vọng phe nhà nước ngầm không nuốt chửng ông ấy".
Trong những năm gần đây, Nga đã chuyển từ một quốc gia nhận viện trợ sang một nhà tài trợ tích cực. Tuy nhiên, theo tổ chức phi lợi nhuận The Borgen Project, Moscow cũng sử dụng viện trợ như một công cụ để tạo ra bất ổn và kích động mâu thuẫn giữa các quốc gia.
Ukraine, một trong những nước nhận viện trợ lớn nhất từ Mỹ, có thể trở thành bên chịu thiệt nhiều nhất. USAID đã tài trợ hàng tỷ USD cho Kyiv, từ hỗ trợ quân sự đến cứu trợ nhân đạo. Khi khoản viện trợ này trở nên bấp bênh, Nga có thể tận dụng cơ hội để mở rộng ảnh hưởng lên các quốc gia hậu Xô Viết.
Cựu quan chức USAID Michael Schiffer bình luận trên Just Security: "Chính quyền Trump vừa đặt nước Mỹ vào thế bất lợi, đồng thời trao một món quà cho các đối thủ lớn nhất của chúng ta, đặc biệt là Trung Quốc. Các liên minh của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, đối tác của chúng ta sẽ gặp rủi ro, còn các đối thủ thì hả hê".
Tác động kinh tế và nhân đạo toàn cầu
Việc Mỹ ngừng viện trợ dự kiến sẽ gây ra tác động nghiêm trọng đến các chương trình y tế và nhân đạo trên toàn cầu. Tại châu Phi, nơi USAID tài trợ cho các chương trình điều trị HIV/AIDS và cung cấp nước sạch, nhiều dự án đã bị đình trệ do lo ngại thiếu hụt kinh phí.
Tại Bangladesh, hơn 1.000 nhân viên viện trợ trong các chương trình chống dịch tả và suy dinh dưỡng do USAID tài trợ đã bị sa thải. Tại Kenya, nơi USAID hỗ trợ hơn 30.000 việc làm trong lĩnh vực y tế, chính quyền địa phương vẫn chưa rõ những dịch vụ nào sẽ tiếp tục duy trì.
Tổng thư ký Liên đoàn Y tế Kenya, Tim Theuri, chia sẻ: "Chắc chắn chúng tôi sẽ chứng kiến sự cắt giảm trong các dịch vụ y tế. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà lãnh đạo của chúng tôi".
Trong khi đó, các nhà tài trợ toàn cầu như Anh, Pháp và Đức cũng đã cắt giảm ngân sách viện trợ trong những năm gần đây, khiến khả năng các đồng minh phương Tây thay thế vai trò của Mỹ càng trở nên khó khăn.
Hiện tại, Ngoại trưởng Marco Rubio đã được bổ nhiệm làm giám đốc lâm thời của USAID và đang xem xét kế hoạch tái cơ cấu cơ quan này, nhưng vẫn chưa rõ liệu USAID có thể tiếp tục hoạt động dưới hình thức nào hay không.
Chính quyền Trump khẳng định động thái này phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trên hết" và nhằm cắt giảm chi tiêu lãng phí. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc đóng cửa USAID sẽ gây tổn hại lâu dài đến vị thế toàn cầu của Mỹ, làm suy yếu các liên minh chiến lược và tạo điều kiện cho các chính quyền chuyên chế gia tăng ảnh hưởng.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện: "Nếu chúng ta không can dự vào thế giới, nếu chúng ta không có các chương trình viện trợ tại châu Phi, nơi Trung Quốc đang tìm cách thâu tóm cả châu lục, thì đó là một sai lầm".