Tổng thống Mỹ tiếp tục bị kiện lên Tòa án liên bang về thẩm quyền áp thuế quan

Theo hãng tin Reuters, một nhóm vận động pháp lý hôm 14/4 đã đệ đơn yêu cầu Tòa án liên bang chặn lệnh áp thuế toàn diện của Tổng thống Donald Trump đối với các đối tác thương mại nước ngoài, với lý do Tổng thống đã vượt quá thẩm quyền.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ở Washington. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ở Washington. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Vụ kiện được đệ trình lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ bởi Trung tâm Tư pháp Tự do phi đảng phái - đại diện cho 5 doanh nghiệp nhỏ của Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ các đối tác bị áp thuế. Các doanh nghiệp này bao gồm nhiều lĩnh vực, từ một nhà nhập khẩu rượu ở New York đến một nhà sản xuất bộ dụng cụ giáo dục và nhạc cụ có trụ sở tại Virginia.

Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ có trụ sở tại New York là tòa án liên bang Mỹ có thẩm quyền đối với hầu hết các vấn đề liên quan đến thương mại.

Đơn kiện của Trung tâm Tư pháp Tự do đang thách thức mức thuế mà ông Trump công bố ngày 2/4 cũng như các mức thuế mà ông áp riêng đối với Trung Quốc.

"Không một cá nhân nào nên có quyền áp đặt các loại thuế có hậu quả kinh tế toàn cầu to lớn như vậy", luật sư cấp cao Jeffrey Schwab của Trung tâm Tư pháp Tự do cho biết trong một tuyên bố. "Hiến pháp trao quyền thiết lập mức thuế - bao gồm cả thuế quan - cho Quốc hội, không phải cho Tổng thống", ông nói thêm.

Trước đó, chính quyền của ông Trump cũng đang phải đối mặt với vụ kiện tương tự tại Tòa án liên bang ở Florida, nơi một chủ doanh nghiệp nhỏ đã yêu cầu thẩm phán ngăn chặn việc áp thuế quan đối với Trung Quốc.

Tổng thống Trump đã áp thuế 10% đối với hàng hóa từ tất cả các quốc gia và áp mức thuế cao hơn đối với các quốc gia mà chính quyền Mỹ cho là đã thiết lập rào cản cao đối với hàng nhập khẩu của Mỹ. Hầu hết các biện pháp áp mức thuế quan cao hơn đã tạm dừng trong 90 ngày bằng một thông báo sau đó của chính ông Trump.

Sắc lệnh hành pháp của ông Trump đã viện dẫn các quy định pháp lý, trong đó có Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), cho phép tổng thống có quyền đặc biệt để đối phó trước các mối đe dọa bất thường hoặc đặc biệt đối với Mỹ.

Trong đơn kiện của mình vào ngày 14/4, Trung tâm Tư pháp Tự do cho biết luật phát nước Mỹ không trao cho tổng thống thẩm quyền áp thuế quan. "Chưa có tiền lệ nào sử dụng IEEPA để áp thuế. Chưa có tổng thống nào từng làm như vậy hoặc tuyên bố có thẩm quyền làm như vậy", trích nội dung trong đơn kiện. Theo đó, tổ chức này yêu cầu Tòa án liên bang chặn việc thực thi các mức thuế quan và tuyên bố ông Trump không có thẩm quyền áp đặt thuế quan.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Harrison Fields đã lên tiếng bảo vệ các mức thuế của ông Trump.

"Những người chống ông Trump sẽ luôn phản đối ông ấy. Nhưng Tổng thống Trump đang bảo vệ Phố Wall bằng cách chấm dứt tình trạng các đối tác thương mại của chúng ta - đặc biệt là Trung Quốc - lợi dụng Mỹ. Kế hoạch của ông ấy tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp và người lao động, nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia về thâm hụt thương mại lâu năm của đất nước chúng ta", ông Fields cho biết.

Trong một động thái liên quan, ngày 14/4, Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng tạm ngừng áp thuế đối với ngành ô tô nhằm tạo điều kiện để các nhà sản xuất có thêm thời gian điều chỉnh và tái cấu trúc chuỗi cung ứng.

Trả lời báo giới tại Phòng Bầu dục, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết: “Tôi đang cân nhắc một số biện pháp hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô”. Tổng thống Trump giải thích rằng các hãng ô tô cần thời gian để chuyển dịch sản xuất khỏi Canada, Mexico và các quốc gia khác.

Ông Matt Blunt, Chủ tịch Hội đồng chính sách ô tô Mỹ cho rằng mục tiêu của chính sách thuế quan của ông Trump sẽ giúp thúc đẩy sản xuất nội địa nhưng cũng nhấn mạnh răng điều này có thể làm suy yếu mục tiêu chung là xây dựng một ngành công nghiệp ô tô Mỹ phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên trái ngược với động thái trên, chính quyền Tổng thống Trump lại đang xúc tiến các cuộc điều tra đối với việc nhập khẩu dược phẩm và chất bán dẫn nhằm chuẩn bị cho việc áp thuế đối với hai lĩnh vực này. Phía Mỹ viện dẫn rằng phụ thuộc quá mức vào sản xuất nước ngoài trong các ngành trọng yếu có thể đe dọa an ninh quốc gia.

Theo thông báo trên Công báo Liên bang Mỹ ngày 14/4, các cuộc điều tra sẽ kéo dài 270 ngày. Đây là bước đi mới nhất của ông Trump trong việc sử dụng Điều 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962 để làm cơ sở áp thuế nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước đối với các mặt hàng mà ông cho là thiết yếu với an ninh quốc gia.

Bình Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-my-tiep-tuc-bi-kien-len-toa-an-lien-bang-ve-tham-quyen-ap-thue-quan-20250415104549187.htm
Zalo