Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tiếp quản Gaza: Hàm ý và tính khả thi

Trong ngày nhậm chức 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu chia sẻ suy nghĩ về Dải Gaza, mô tả đây là 'một vị trí đắc địa' và cho rằng có thể thực hiện 'những điều tuyệt vời' tại vùng đất này. Đến ngày 26/1, ông Trump tiếp tục gây chú ý với một đề xuất gây tranh cãi, khi cho rằng người Palestine nên được chuyển đến Ai Cập và Jordan để 'dọn sạch' Gaza.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 30/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 30/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Câu hỏi đây có phải là một đề xuất nghiêm túc hay không và việc di dời người Palestine sẽ là tạm thời hay vĩnh viễn vẫn chưa được trả lời. Song ông Trump tiếp tục đưa ra những bình luận gây tranh cãi về vấn đề này.

Ngày 4/2, khi gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, ông Trump đưa ra một tuyên bố gây sốc, nói rằng Mỹ sẽ “tiếp quản” và “sở hữu” Gaza, đồng thời hy vọng người Palestine sẽ “đến các quốc gia khác”.

Ngày 5/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt khẳng định ông Trump chưa cam kết sẽ gửi quân đội Mỹ đến Gaza và người dân ở đó sẽ chỉ được “di dời tạm thời”, tuy nhiên không cung cấp thêm chi tiết nào về kế hoạchnày.

Người dân Palestine, các quốc gia Arab (bao gồm Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia) và nhiều quốc gia trên thế giới, đã lên tiếng phản đối kế hoạch này.

Mong muốn của ông Trump khi đưa ra tuyên bố về Gaza

Việc xác định rõ mục đích của Tổng thống Trump trong vấn đề Gaza là không dễ dàng. Ông là người nổi tiếng với khả năng đàm phán, nhưng việc phân biệt giữa mục tiêu ban đầu và mục tiêu cuối cùng của ông có thể rất khó. “Cố gắng phân tích tâm lý ông Donald Trump là một việc vô ích”, bà Jasmine el-Gamal, nhà phân tích chính sách Trung Đông, chia sẻ.

Bà cho rằng thật khó để tưởng tượng việc ông Trump tin rằng Mỹ có thể can thiệp quân sự ở Gaza và đẩy người dân ra khỏi vùng đất này, đồng thời “mời người dân từ khắp nơi trên thế giới” đến sống ở đó. Điều này thực sự khó khả thi và chỉ có thể coi là tưởng tượng. Theo bà, không nên bình thường hóa những ý tưởng này và cần đánh giá vấn đề từ quan điểm của các quốc gia Arab.

Mỹ tiếp quản Gaza: Một ý tưởng khả thi?

Người tị nạn Palestine trở về nhà tại Dải Gaza ngày 27/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Người tị nạn Palestine trở về nhà tại Dải Gaza ngày 27/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Đề xuất của ông Trump gây sốc ngay cả với những người ủng hộ ông. Các quan chức Mỹ, bao gồm Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng quân đội Mỹ có thể tham gia vào Gaza, một quan điểm mà nhiều đảng viên Cộng hòa khác cũng đồng tình.

Hơn nữa, việc trục xuất 2 triệu người Palestine khỏi Gaza là điều không thể dễ dàng thực hiện, bởi phần lớn người dân Gaza không muốn rời đi.

Ông Tariq Kenney-Shawa, nghiên cứu viên chính sách Mỹ tại tổ chức nghiên cứu Palestine Al-Shabaka, cho rằng có nhiều lý do khiến việc trục xuất hàng loạt người Palestine khỏi Gaza theo cách mà Tổng thống Trump đề xuất sẽ không thể thực hiện được. Theo ông, điều đó có thể phá hỏng những mục tiêu mà ông Trump đề ra, như thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.

“Việc Mỹ 'tiếp quản' Gaza không chỉ làm suy yếu khả năng đạt được lợi ích của Mỹ trong khu vực mà còn đi ngược lại với nguyên tắc 'Nước Mỹ trên hết'”, ông lập luận.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul của Kentucky cũng bày tỏ quan điểm trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 5/2, cho rằng: “Chúng ta đã bỏ phiếu cho ‘Nước Mỹ trên hết’. Không có lý do gì để chúng ta xem xét một cuộc chiếm đóng nữa, điều này sẽ chỉ làm tổn hại tài sản và sinh mạng của các binh sĩ”.

Cố vấn chính trị Sami Hamdi nhận định rằng khó có thể tưởng tượng những người ủng hộ ông Trump lại đồng tình với việc đưa quân đội Mỹ vào Gaza. Ông Hamdi cho rằng thay vì tiếp tục kế hoạch này, rất có thể ông Trump sẽ tìm kiếm một thỏa thuận với các cường quốc trong khu vực có quan hệ thân thiện với Israel, để thành lập một lực lượng “gìn giữ hòa bình” khu vực nhằm kiểm soát Gaza.

Lập trường của các quốc gia Arab

Người dân đứng bên đống đổ nát tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đứng bên đống đổ nát tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Các đồng minh của Mỹ trong khu vực đã nhanh chóng bác bỏ đề xuất của ông Trump.

Saudi Arabia, Jordan và các quốc gia khác không ủng hộ kế hoạch này.

Chuyên gia về Trung Đông El-Gamal cho biết: “Saudi Arabia rất quyết tâm truyền tải thông điệp này đến mức họ đã phát đi tuyên bố vào lúc 4:30 sáng theo giờ địa phương, không đợi đến giờ làm việc. Họ lập tức khẳng định rằng đây là một sự khởi đầu không thành công. Điều này không thể xảy ra nếu không có sự chấp thuận và tham gia của các quốc gia Ả Rập, vì vậy câu hỏi đặt ra là, nếu kế hoạch này không thực hiện được, giải pháp thay thế sẽ là gì?”.

Quốc vương Abdullah II của Jordan dự kiến thăm Nhà Trắng vào tuần tới, nhưng vẫn chưa có thông báo chính thức về việc ông có thay đổi quan điểm về việc nhận người tị nạn Palestine từ Gaza hay không.

Ý tưởng Mỹ tiếp quản Gaza có phải là mới?

Trước đây, một số chính trị gia Israel đã từng thảo luận về việc tiếp quản Gaza. Cựu Thủ tướng Ariel Sharon đã từng đề xuất rút quân khỏi Gaza vào năm 2005, nhưng Israel vẫn duy trì quyền kiểm soát đối với khu vực này. Mới đây, một tài liệu từ Bộ Tình báo Israel đã gợi ý việc đưa người Palestine sang khu vực Sa mạc Sinai của Ai Cập.

Dù vậy, sau tuyên bố của ông Trump, ý tưởng này lại được nhiều người Israel ủng hộ.

Bà Diana Buttu, cựu cố vấn của Tổ chức Giải phóng Palestine và chuyên gia về vấn đề Israel-Palestine, nhận xét: “Ý tưởng này thật vô lý, nhưng đó lại là điều mà người Israel đã thúc đẩy từ lâu. Đây không phải là sáng kiến của riêng ông Trump”.

Lợi ích của ông Trump và các mối quan hệ với Israel

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., ngày 4/2. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., ngày 4/2. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN

Tháng 3/2024, Jared Kushner, con rể của Tổng thống Trump và là một nhà đầu tư bất động sản, đã đề xuất rằng Israel nên di dời dân số Palestine khỏi Gaza và giải phóng Dải Gaza, đồng thời cho rằng “bất động sản ven sông Gaza có thể rất có giá trị”. Ông Kushner cũng cho rằng người dân có thể được đưa tới Ai Cập hoặc sa mạc Naqab (Negev) ở miền Nam Israel – phương án mà Israel ủng hộ, trong khi từ chối phương án còn lại.

Kushner, người đã được giao nhiệm vụ quản lý tiến trình hòa bình Israel-Palestine trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, đã đối mặt với sự trì trệ trong suốt khoảng thời gian dài. Một số nhà phân tích cho rằng các nỗ lực của ông đã không mang lại tiến triển trong hai thập kỷ qua.

Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Trump cũng đã lặp lại một số quan điểm của con rể mình. Ông nói: “Chúng ta sẽ biến nơi này thành một khu vực quốc tế. Tôi nghĩ tiềm năng của Dải Gaza là không thể tin được. Và tôi tin rằng toàn bộ thế giới, các đại diện từ khắp nơi trên thế giới, sẽ ở đó và họ sẽ sống ở đó.”

Tuy nhiên, bà Diana Buttu chỉ trích tuyên bố của ông Trump, cho rằng nó coi thường phúc lợi, lịch sử và văn hóa của người Palestine.

Liệu kế hoạch này có thực sự phục vụ mục tiêu của Israel?

Nhiều người tin rằng kế hoạch này không chỉ là một biện pháp “xóa sổ” Hamas, mà còn là một cách để Israel thực hiện những tham vọng lâu dài tại Gaza. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng động cơ thực sự của Israel có thể phức tạp hơn, không chỉ đơn giản là “xóa sổ” Hamas mà còn liên quan đến việc kiểm soát khu vực này.

Mặc dù Israel hoan nghênh tuyên bố của ông Trump về việc trục xuất người Palestine khỏi Gaza, nhưng cũng có những ý kiến phản đối, đặc biệt là việc áp đặt lệnh ngừng bắn, điều mà nhiều người Israel không mong muốn.

Cố vấn chính trị Hamdi cho rằng ông Trump có thể không muốn tiếp tục chiến tranh mà tìm cách giải quyết vấn đề Gaza mà không cần sự can thiệp quân sự. Tuy nhiên, ông cũng nghi ngờ về khả năng “xóa sổ” Hamas hoàn toàn, vì phong trào này vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một bộ phận người Palestine, và nó chỉ là một phần của một phong trào kháng chiến lâu dài chống lại nỗ lực của Israel nhằm đẩy người Palestine ra khỏi lãnh thổ của họ.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tong-thong-my-donald-trump-tuyen-bo-tiep-quan-gaza-ham-y-va-tinh-kha-thi-20250206092810786.htm
Zalo