Tổng thống Mỹ công du Trung Đông
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Ả Rập Saudi hôm 13-5, bắt đầu chuyến công du Trung Đông kéo dài 4 ngày
Theo AP, hôm 13-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp gỡ Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, thảo luận những vấn đề hàng đầu trong khu vực bao gồm nỗ lực đàm phán hạt nhân với Iran, chấm dứt xung đột ở Gaza, kiềm chế giá dầu…
Thái tử Mohammed đã đón Tổng thống Donald Trump ngay tại sân bay quốc tế King Khalid ở thủ đô Riyadh, sau đó chiêu đãi tiệc trưa tại Cung điện Hoàng gia, một sự kiện có sự tham gia của nhiều giám đốc điều hành (CEO) các doanh nghiệp lớn của Mỹ - bao gồm CEO của Blackstone Group Stephen Schwarzman, CEO của BlackRock Larry Fink và CEO của Tesla và SpaceX Elon Musk.
Ả Rập Saudi và các quốc gia OPEC+ khác trong chừng mực nào đó đã "hỗ trợ" cho ông Donald Trump ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông bằng cách tăng sản lượng khai thác dầu. Nhà lãnh đạo Mỹ coi năng lượng giá rẻ là yếu tố chính để giảm chi phí và ngăn chặn lạm phát cho người dân Mỹ, đồng thời lập luận giá dầu thấp hơn sẽ đẩy nhanh việc chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (phải) tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà ga Hoàng gia Sân bay Quốc tế King Khalid ở thủ đô Riyadh - Ả Rập Saudi hôm 13-5.Ảnh: AP
Ả Rập Saudi là điểm dừng chân đầu tiên khi Tổng thống Donald Trump công du nước ngoài trong nhiệm kỳ đầu tiên và tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ hai. Theo các nhà bình luận, nguyên nhân là vì quốc gia vùng Vịnh này đã cam kết đầu tư lớn vào Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia tiếp theo trong hành trình Trung Đông của ông - Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - đều là những nơi mà tập đoàn Trump Organization, do hai người con trai lớn của ông Donald Trump điều hành, đang phát triển các dự án bất động sản lớn.
AP cho rằng ông Donald Trump đang cố gắng chứng minh rằng chiến lược đối ngoại của ông mang lại hiệu quả, trong bối cảnh Đảng Dân chủ chỉ trích cuộc chiến thuế quan toàn cầu và cách tiếp cận của ông đối với xung đột Nga - Ukraine đang khiến Mỹ tách rời các đồng minh.
Trong khuôn khổ chuyến đi, tổng thống Mỹ dự kiến công bố các thỏa thuận với 3 quốc gia giàu có này, liên quan đến các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), mở rộng hợp tác năng lượng và có thể là bán vũ khí mới cho Ả Rập Saudi. Đầu tháng này, chính quyền Washington đã công bố phê duyệt ban đầu để bán tên lửa không đối không trị giá 3,5 tỉ USD cho Ả Rập Saudi.
Theo chiều ngược lại, nhà bình luận Ali Shihabi của Ả Rập Saudi đánh giá "an ninh, an ninh và an ninh" là điều mà Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác mong muốn nhất từ chuyến thăm của người đứng đầu nước Mỹ. "Ông Donald Trump có nhiều ưu tiên và được biết là nhanh chóng mất hứng thú nên họ muốn bảo đảm sự hiện diện của Mỹ" - ông Shihabi nói với CNN.
Ngoài ra, theo đài CNN, Riyadh cũng đang tìm kiếm sự hợp tác của Mỹ để phát triển một chương trình hạt nhân dân sự. Trong khi đó, UAE đang nhắm đến mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2031 và Abu Dhabi không thể đạt được điều đó nếu không có vi mạch tiên tiến của Mỹ. Về phần mình, Qatar nhắm tới một vai trò toàn cầu. Là quốc gia Ả Rập vùng Vịnh có mối quan hệ an ninh chính thức nhất với Mỹ, Qatar đang là nhà trung gian hòa giải của nhiều cuộc xung đột nóng bỏng, từ Dải Gaza đến Afghanistan.