Tổng thống Hàn Quốc dỡ bỏ thiết quân luật, đối mặt với nguy cơ bị luận tội
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào sáng thứ Tư cho biết ông sẽ dỡ bỏ lệnh thiết quân luật bất ngờ mà ông đã bất ngờ áp đặt, một động thái lùi bước trong cuộc đối đầu với Quốc hội nước này.
Chỉ vài giờ trước đó, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu tuyên bố lệnh này là vi hiến và yêu cầu dỡ bỏ ngay lập tức.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ban bố thiết quân luật vào nửa đêm thứ Ba, tuyên bố sẽ tiêu diệt các thế lực “chống nhà nước” trong cuộc đấu tranh chống lại phe đối lập đang kiểm soát Quốc hội nước này.
Những người biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội đã hét lên và vỗ tay. "Chúng ta đã chiến thắng!", họ hô vang.
Đảng Dân chủ đối lập chính đã kêu gọi ông Yoon, người đã tại nhiệm từ năm 2022, từ chức hoặc phải đối mặt với việc luận tội.
“Ngay cả khi thiết quân luật được dỡ bỏ, ông ấy cũng không thể tránh khỏi cáo buộc phản quốc. Rõ ràng là toàn thể quốc gia đã thấy rằng Tổng thống Yoon không còn có thể điều hành đất nước một cách bình thường nữa. Ông ấy nên từ chức", thành viên cấp cao của DP Park Chan-dae cho biết trong một tuyên bố.
Theo hãng tin AP, có vẻ như hàng trăm người biểu tình đã tụ tập trước Tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc, vẫy biểu ngữ và kêu gọi luận tội ông Yoon.
Động thái ban bố lệnh thiết quân luật bất ngờ của Tổng thống Yoon Suk Yeol không chỉ bị phe đối lập mà còn bị chính lãnh đạo Quyền lực Nhân dân của ông Yoon lên án. Lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân, Han Dong-hoon, gọi quyết định áp đặt thiết quân luật là "sai trái" và tuyên bố sẽ "chấm dứt nó cùng với người dân".
Theo hiến pháp Hàn Quốc, lệnh thiết quân luật có thể được dỡ bỏ bằng đa số phiếu trong Quốc hội. Ngay sau tuyên bố phản đối lệnh thiết quân luật, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won-shik đã kêu gọi tất cả các nhà lập pháp tập trung tại Quốc hội trên kênh YouTube của mình. Ông Woo cũng kêu gọi quân đội và lực lượng thực thi pháp luật “giữ bình tĩnh và giữ nguyên vị trí của mình”.
Tất cả 190 nghị sĩ tham gia bỏ phiếu đều ủng hộ việc dỡ bỏ thiết quân luật. Các cảnh quay trên truyền hình cho thấy những người lính đồn trú tại tòa nhà Quốc hội rời khỏi địa điểm này sau cuộc bỏ phiếu.
Vài giờ trước đó, truyền hình đã chiếu cảnh cảnh sát chặn lối vào Quốc hội và binh lính mang theo súng tiểu liên đứng trước tòa nhà.
Một nhiếp ảnh gia của hãng tin AP đã nhìn thấy ít nhất 3 chiếc trực thăng, có thể là của quân đội, hạ cánh bên trong khuôn viên tòa nhà Quốc hội, trong khi 2 hoặc 3 chiếc trực thăng bay vòng tròn phía trên địa điểm này.