Tổng mức đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng khoảng 203.231 tỷ đồng
Chiều 13-2, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.
Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày tờ trình về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.
![Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh: TRỌNG HẢI](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_16_51468581/bcac8375b23b5b65022a.jpg)
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh: TRỌNG HẢI
Theo đó, điểm đầu của tuyến đường sắt là vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), điểm cuối tuyến tại khu bến Lạch Huyện. Tuyến đường sắt đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố, chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và có 3 tuyến nhánh dài khoảng 27,9km.
Về quy mô, sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa, khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Tuyến chính thiết kế tốc độ từ 120 đến 160km/giờ, tuyến nhánh thiết kế tốc độ 80km/giờ.
Toàn tuyến dự kiến bố trí 18 ga, trong đó có 3 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp; 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật.
Sơ bộ, tổng nhu cầu sử dụng đất phục vụ dự án là khoảng 2.632ha, số dân tái định cư là 19.136 người.
![Quang cảnh phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_16_51468581/e88daf549e1a77442e0b.jpg)
Quang cảnh phiên họp.
Hình thức đầu tư dự án được đề xuất là đầu tư công. Tổng mức đầu tư dự án là khoảng 203.231 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,369 tỷ USD). Dự án được đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2030.
Nguồn vốn đề nghị gồm ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương), nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị tiếp nhận quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng và tổ chức vận hành khai thác toàn tuyến; được giao toàn bộ phương tiện, thiết bị để khai thác.
Trong 5 năm đầu khai thác, nhà nước cần hỗ trợ một phần chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế tương tự như hệ thống đường sắt quốc gia hiện nay.
Theo đánh giá của Chính phủ, việc đầu tư dự án sẽ mang lại những lợi ích cho kinh tế là tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức; mở ra không gian phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ; phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ; giảm ô nhiễm môi trường; giảm tai nạn giao thông; tạo công ăn việc làm.
Tuyến đường sắt mới sẽ tạo thêm một trục cơ động tác chiến trong trường hợp có tình huống khẩn cấp, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.