Tổng Liên đoàn lý giải số dư hơn 43.000 tỷ đồng kinh phí công đoàn

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, số dư nguồn tài chính công đoàn tích lũy đến hết năm 2023 khoảng 43.211 tỷ đồng, chủ yếu ở 3 cấp trên.

Số dư tài chính công đoàn 4 cấp

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ về dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, số dư nguồn tài chính công đoàn tích lũy khoảng 43.211 tỷ đồng (tính theo niên độ tài chính).

Trong đó, số dư tài chính công đoàn tích lũy của công đoàn cơ sở là 12.373 tỷ đồng, chiếm 28,6% tổng số dư tài chính công đoàn tích lũy của hệ thống công đoàn.

Số dư tài chính công đoàn tích lũy của 3 cấp còn lại là 30.837 tỷ đồng. Trong đó, dư tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là 8.693 tỷ đồng. Dư tại liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần lượt là 15.355 tỷ đồng và 6.789 tỷ đồng.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Số dư tài chính công đoàn tích lũy tại 4 cấp tính đến hết niên độ tài chính (31/12 hàng năm) còn dư. Tuy nhiên, thực tế sau tết Âm lịch, số kinh phí kết dư tại công đoàn cơ sở thường được sử dụng hết để chăm lo cho đoàn viên, người lao động tham gia trực tiếp.

Số dư tại cấp công đoàn cấp trên cơ sở được thực hiện điều tiết cho công đoàn cơ sở không có tích lũy đủ chi và chi hoạt động cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Bên cạnh đó, dư tại cấp liên đoàn ;ao động tỉnh, thành phố và cấp Tổng Liên đoàn dùng để điều tiết cho các địa phương không có số dư tích lũy để chi và chi hoạt động của các cấp này.

Duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn thể hiện sự ưu việt của chế độ

Về việc tiếp tục kế thừa và duy trì quy định 2% kinh phí công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nguồn thu kinh phí công đoàn 2% được quy định từ năm 1957, được duy trì từ khi có Luật Công đoàn cho đến nay.

Việc Luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, thông qua việc xây dựng và thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động công đoàn; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 02-NQ/TW.

Cũng theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kinh phí công đoàn được sử dụng tại công đoàn cơ sở là chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay của người lao động khoảng 5,7 triệu/tháng, trong 1 năm doanh nghiệp phải đóng kinh phí khoảng 1,4 triệu đồng.

Khi đó, 75% số kinh phí công đoàn đã đóng này (khoảng 1 triệu đồng) sẽ được phân phối cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đoàn viên, người lao động dùng để thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà Tết, hoạt động văn hóa, thể thao.

Toàn cảnh phiên thảo luận về Luật Công đoàn (sửa đổi) của Quốc hội diễn ra trong sáng nay (18/6).

Toàn cảnh phiên thảo luận về Luật Công đoàn (sửa đổi) của Quốc hội diễn ra trong sáng nay (18/6).

Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đã bổ sung một số nhiệm vụ chi mới để phù hợp với thực tiễn như chi cho công đoàn cơ sở mà tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn được miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn

Bên cạnh đó, còn chi cho việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, xây dựng công trình công cộng cho đoàn viên, người lao động, thiết chế công đoàn chủ yếu từ số tài chính công đoàn tích lũy của cấp tỉnh, thành phố và tương đương và của Tổng Liên đoàn.

Kinh phí công đoàn được tính vào chi phí của doanh nghiệp, được hạch toán vào giá thành sản phẩm, tuy nhiên chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp, trung bình khoảng 0,38%.

Qua khảo sát thực tế các doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường Việt Nam, vấn đề vướng mắc chủ yếu là do thủ tục hành chính hoặc xung đột thể chế, pháp luật. Có ít kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến nộp 2% kinh phí công đoàn.

"Do đó có thể cho rằng, vấn đề 2% kinh phí công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp", báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ.

Từ những lý do nêu trên, việc tiếp tục duy trì mức đóng 2% kinh phí công đoàn như hiện nay, Tổng Liên đoàn cho rằng là cần thiết để tổ chức công đoàn đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Đồng thời, cũng để đảm bảo vai trò của công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác, góp phần ổn định và phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Không áp cứng tỉ lệ phân phối kinh phí công đoàn

Trong tờ trình về dự án Luật Công đoàn sửa đổi, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án phân phối kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Phương án 1 giao Chính phủ quy định chi tiết. Phương án 2 quy định cụ thể tỉ lệ phân phối kinh phí công đoàn đối với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (là 25-75%).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng đây là nội dung quan trọng nên quy định ngay trong luật (phương án 2). Việc quy định cụ thể tỉ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn.

Dù vậy để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở (nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động), bà Nga đề nghị không quy định cứng tỉ lệ 25% và 75% như dự luật.

Thay vào đó có sự linh hoạt trong việc quy định tỉ lệ phân bổ kinh phí công đoàn theo tỉ lệ tối thiểu và tối đa. Cụ thể, đề nghị xem xét quy định kinh phí công đoàn do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Cùng ý kiến này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng tỉ lệ phân bổ cần bám sát tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương là rà soát, sửa đổi cơ chế quản lý tài chính, nguồn kinh phí công đoàn bảo đảm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả.

Đồng thời, bám sát thực tế hoạt động của công đoàn các cấp và dự liệu các vấn đề phát sinh trong thời gian tới.

Theo ông Thông, việc không quy định cứng tỉ lệ (mà quy định theo hướng tối thiểu 75% và tối đa 25%) sẽ bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.

Phùng Đô

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tong-lien-doan-ly-giai-so-du-hon-43000-ty-dong-kinh-phi-cong-doan-192240618114856507.htm
Zalo