Tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước trong 3 tháng

Theo Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng, từ ngày 01/01/2025 sẽ tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước, đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê. Sẽ kiểm kê khoảng 100.000 đơn vị và nhiều loại tài sản khác nhau.

Từ ngày 01/01/2025 sẽ tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước, đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê. Hình minh họa

Từ ngày 01/01/2025 sẽ tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước, đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê. Hình minh họa

Đối tượng thực hiện kiểm kê khoảng 100.000 đơn vị và nhiều loại tài sản khác nhau

Theo Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, việc triển khai đề án tổng kiểm kê trên phạm vi toàn quốc nhằm phục vụ việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) thông tin, việc kiểm kê cũng nhằm nắm được thực trạng của tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý về các mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng,... làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã rà soát pháp luật, khảo sát thực tế, xây dựng biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê, tiến hành kiểm kê thử nghiệm tại 2 Bộ, gồm: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và tại 6 địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí mInh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Kạn, Quảng Ninh).

Theo đó, việc Tổng kiểm kê theo Quyết định số 213 của Thủ tướng Chính phủ lần này là nhiệm vụ lớn, lần đầu thực hiện Tổng kiểm kê với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, với đối tượng thực hiện kiểm kê khoảng 100.000 đơn vị và nhiều loại tài sản khác nhau.

Việc tổng kiểm kê tài sản công diễn ra trong bối cảnh nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đầy đủ, chưa chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.

Thời gian diễn ra Tổng kiểm kê trùng với thời gian diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước, trong đó, trùng với thời điểm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở nhiều địa phương. Bộ Tài chính cho rằng, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến công tác kiểm kê tài sản công.

Bộ Tài chính đã ban hành hướng dẫn cho các bộ ngành, cơ quan thực hiện kiểm kê tài sản trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, kết thúc hoạt động hoặc chuyển chức năng, nhiệm vụ về cơ quan khác.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng hướng dẫn các đơn vị cũ cần kiểm kê toàn bộ tài sản công trước khi chuyển sang cơ quan chủ quản mới, chuyển toàn bộ hồ sơ kiểm kê sang cơ quan chủ quản mới sau sáp nhập, hợp nhất để tiếp tục triển khai các công việc đang dang dở.

Gắn việc tổng kiểm kê với thực hiện chống lãng phí

Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, trên cơ sở báo cáo kiểm kê tài sản công của các bộ ngành, địa phương, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra, thẩm định lại số liệu thống kê. Cùng với đó, gắn việc tổng kiểm kê với thực hiện chống lãng phí.

Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong quá trình tổng kiểm kê, có tài sản dôi dư không sử dụng, sử dụng tài sản sai mục đích, thì báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý ngay, không chờ đến khi kết thúc toàn bộ quá trình kiểm kê mới báo cáo.

Theo kế hoạch, tài sản thực hiện kiểm kê gồm: Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định (trừ tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản thuộc danh mục bí mật nhà nước).

Ngày 31/3/2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê

Quyết định 213/QĐ-TTg của Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc kiểm kê tài sản. Cụ thể, tài sản thuộc phạm vi kiểm kê do các đối tượng thực hiện kiểm kê nêu trên đang trực tiếp quản lý/tạm quản lý đều phải thực hiện kiểm kê, trừ các tài sản sau:

- Tài sản mà tại thời điểm kiểm kê đang trong quá trình đầu tư xây dựng, mua sắm, chưa hoàn thành đưa vào sử dụng; tài sản hình thành sau thời điểm kiểm kê.

- Tài sản đang được sử dụng để tham gia vào các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; tài sản đang trong thời gian sử dụng để liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới (trừ trường hợp pháp nhân mới là đơn vị sự nghiệp).

- Tài sản đã giao cho doanh nghiệp quản lý và tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trường hợp tài sản là một hệ thống, trong đó có một phần đã giao cho doanh nghiệp quản lý và tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà không tách riêng được phần này thì thực hiện kiểm kê đối với cả hệ thống.

Quyết định yêu cầu việc kiểm kê được dựa trên việc kiểm đếm thực tế tài sản tại thời điểm kiểm kê; so sánh, đối chiếu với số liệu theo dõi, hạch toán trên sổ kế toán.

Đối với tài sản đang được theo dõi, hạch toán trên sổ kế toán nhưng tại thời điểm kiểm kê thực tế không còn tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang theo dõi, hạch toán tài sản có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý tài sản phát hiện thiếu theo quy định của pháp luật có liên quan; không tổng hợp giá trị của các tài sản này vào giá trị tài sản kiểm kê.

Đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê của các đối tượng thực hiện kiểm kê.

Đến ngày 15/6/2025, các bộ, ngành, địa phương báo cáo về Bộ Tài chính.

Đến ngày 31/7/2025, Bộ Tài chính hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý đã được phê duyệt, phạm vi tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước, gồm:

- Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (trừ tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản thuộc danh mục bí mật nhà nước), gồm: Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (bao gồm cả quyền sử dụng đất xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp); xe ô tô; tài sản cố định đặc thù; tài sản cố định khác.

- Tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý (không bao gồm tài sản do Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, nguyên vật liệu,... để đầu tư xây dựng), gồm:

+ Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải);

+ Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch;

+ Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;

+ Tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ;

+ Tài sản kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp;

+ Tài sản kết cấu hạ tầng khu kinh tế;

+ Tài sản kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao;

+ Tài sản kết cấu hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung;

+ Tài sản kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu là đê điều;

+ Tài sản kết cấu hạ tầng cảng cá;

+ Tài sản kết cấu hạ tầng thuộc thiết chế văn hóa, thiết chế thể thao ở cơ sở (cấp xã, cấp thôn), làng văn hóa;

+ Tài sản kết cấu hạ tầng kỹ thuật là không gian xây dựng ngầm đô thị.

Trần Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tong-kiem-ke-tai-san-cong-tren-ca-nuoc-trong-3-thang-179241218194708834.htm
Zalo