Tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước

Theo Bộ Tài chính, việc tổng kiểm kê tài sản công sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước để chống lãng phí

Việc triển khai đề án tổng kiểm kê trên phạm vi toàn quốc nhằm phục vụ việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

Thông tin này được ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết tại cuộc họp báo chiều 18-12. Theo ông Thịnh, việc kiểm kê cũng nhằm nắm được thực trạng của tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý về các mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng,... làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Ông Nguyễn Tân Thịnh chủ trì họp báo

Ông Nguyễn Tân Thịnh chủ trì họp báo

Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã rà soát pháp luật, khảo sát thực tế, xây dựng biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê, tiến hành kiểm kê thử nghiệm tại 2 Bộ gồm Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải; 6 địa phương gồm: TP Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng, Bắc Kạn, Quảng Ninh.

Theo Cục Quản lý công sản, việc Tổng kiểm kê theo Quyết định số 213 của Thủ tướng Chính phủ lần này là nhiệm vụ lớn, lần đầu thực hiện Tổng kiểm kê với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, với đối tượng thực hiện kiểm kê khoảng 100.000 đơn vị và nhiều loại tài sản khác nhau, thời gian diễn ra Tổng kiểm kê trùng với thời gian diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước.

Trong khi đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đầy đủ, chưa chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.

Việc thực hiện kiểm kê tài sản công lần này diễn ra vào thời điểm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở nhiều địa phương. Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, việc này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến công tác kiểm kê tài sản công.

Cụ thể, các đơn vị thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê tài sản công ở thời điểm này có thể thuộc Bộ này, cơ quan này, nhưng sau khi thực hiện đề án sáp nhập, tinh gọn, có thể thuộc Bộ, cơ quan khác. Việc này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến công tác kiểm kê tài sản công đang được thực hiện.

Sớm nhận định được việc này, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết Bộ Tài chính đã ban hành hướng dẫn cho các bộ ngành, cơ quan thực hiện kiểm kê tài sản trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, kết thúc hoạt động hoặc chuyển chức năng, nhiệm vụ về cơ quan khác. Bộ Tài chính cũng hướng dẫn các đơn vị cũ cần kiểm kê toàn bộ tài sản công trước khi chuyển sang cơ quan chủ quản mới, chuyển toàn bộ hồ sơ kiểm kê sang cơ quan chủ quản mới sau sáp nhập, hợp nhất để tiếp tục triển khai các công việc đang dang dở.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản, trên cơ sở báo cáo kiểm kê tài sản công của các bộ ngành, địa phương, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra, thẩm định lại số liệu thống kê. Đồng thời, gắn việc tổng kiểm kê với thực hiện chống lãng phí.

"Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong quá trình tổng kiểm kê, có tài sản dôi dư không sử dụng, sử dụng tài sản sai mục đích, thì báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý ngay trong quá trình kiểm kê, không chờ đến khi kết thúc toàn bộ quá trình kiểm kê mới báo cáo"- ông Thịnh nêu rõ.

Theo kế hoạch, tài sản thực hiện kiểm kê gồm: Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định (trừ tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản thuộc danh mục bí mật nhà nước).

Tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông: đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải; kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, kết cấu hạ tầng thủy lợi, kết cấu hạ tầng thương mại là chợ, kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, kết cấu hạ tầng khu kinh tế, kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao, kết cấu hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung...

Theo Cục Quản lý công sản, đến ngày 31-12-2024, hoàn thành công tác chuẩn bị phục vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Đến ngày 31-3-2025 hoàn thành việc kiểm kê của các đối tượng thực hiện kiểm kê. Đến ngày 15-6-2025, các bộ, ngành, địa phương báo cáo về Bộ Tài chính. Đến ngày 31-7-2025, Bộ Tài chính hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tong-kiem-ke-tai-san-cong-tren-ca-nuoc-196241218151732508.htm
Zalo