Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025
BHG - Sáng 14.5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến tới các huyện, thành phố để tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất giai đoạn 2026 - 2030 (Chương trình). Các đồng chí: Phan Huy Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Vương Ngọc Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì. Dự có lãnh đạo các sở, ngành.

Toàn cảnh hội nghị.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, Chương trình đã huy động và phát huy được vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, hạ tầng KT - XH được quan tâm đầu tư, kinh tế phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Công tác y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề được quan tâm đầu tư xây dựng; cơ sở vật chất các trường học cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập; trạm y tế xã thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Huy Ngọc phát biểu tại hội nghị.
Thực hiện Nghị quyết số 25, ngày 27.4.2022 của BTV Tỉnh ủy về lãnh đạo triển khai Chương trình, đến nay có 7/11 chỉ tiêu đạt so với nghị quyết. Tổng số nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 trên 6.844 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư trên 6.390 tỷ đồng. Tổng số vốn giải ngân trên 4.473 tỷ đồng; đạt 73,15% kế hoạch. Chương trình góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 42,85% năm 2021 xuống còn 25,93% cuối năm 2024, giảm bình quân 5,38%; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 98,07% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 93% đồng bào DTTS được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Chất lượng môi trường sống của đồng bào DTTS được nâng cao thông qua thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình như: Nước sinh hoạt; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; phát triển lâm nghiệp trồng rừng, bảo vệ rừng; cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long điều hành thảo luận tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, làm rõ kết quả đạt được và chỉ ra khó khăn, vướng mắc như: Quy mô của Chương trình lớn, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần, phạm vi, nội dung, đối tượng đầu tư liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Khối lượng các văn bản quy định, hướng dẫn của T.Ư về tổ chức thực hiện Chương trình lớn nhưng chậm sửa đổi, bổ sung nên cập nhật, theo dõi và áp dụng thực hiện của cơ sở còn khó khăn, lúng túng; trùng lặp về nội dung đầu tư, gây khó khăn trong triển khai và quản lý Chương trình. Một số tiểu dự án cùng một nội dung hỗ trợ nhưng tại các chương trình mục tiêu quốc gia lại có mức hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ khác nhau, dẫn đến trong quá trình triển khai còn lúng túng, chưa đồng nhất…

Lãnh đạo các sở, ngành dự tại điểm cầu trung tâm.

Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Chu Thị Ngọc Diệp báo cáo kết quả thực hiện chương trình.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Huy Ngọc yêu cầu các cấp, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT - XH, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 25, ngày 27.4.2022 của BTV Tỉnh ủy đề ra trong năm 2025. Các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố cần rà soát, dự kiến phương án phân bổ nguồn vốn sự nghiệp được T.Ư cấp bổ sung năm 2025 và phân bổ hết nguồn kinh phí cho UBND các xã để thuận tiện cho việc bàn giao lại cho UBND xã mới thành lập sau sắp xếp. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Quang Trí báo cáo tác động của Chương trình đến công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Y tế báo cáo tác động của Chương trình tới công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Những tháng còn lại năm 2025 còn nhiều nội dung phải triển khai, đây là nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh toàn tỉnh đang tập trung thực hiện đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của T.Ư và của Chính phủ. Vì vậy, các đơn vị được giao dự toán tiếp tục triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình, phấn đấu đến hết năm 2025 giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Các cơ quan, đơn vị và các địa phương cần tăng cường phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp, nắm tình hình để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền điều chỉnh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình. Tập trung thực hiện Chương trình một cách thiết thực theo phương thức trao "cần câu" cho người dân, trọng tâm cần giải quyết các vấn đề về nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và nâng cao chất lượng y tế, giáo dục.