Tổng kết công tác giám định pháp y năm 2024: Nhân lực vẫn là vấn đề nổi cộm

Ngày 16/1/2025, Viện Pháp y quốc gia đã phối hợp với Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giám định pháp y năm 2024 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2025.

Báo cáo của 3 đơn vị pháp y bao gồm Viện Pháp y quốc gia, Viện Pháp y quân đội, Trung tâm 1 Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho thấy, trong công tác giám định pháp y vẫn còn tồn tại những bất cập có nguyên nhân từ hệ thống pháp luật.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lợi – Viện trưởng Viện Pháp y quân đội, một số văn bản quy phạm pháp luật chưa cụ thể hóa các nội dung nên khi áp dụng còn lúng túng và không thống nhất giữa các tổ chức giám định, trong đó có Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y tâm thần. Thông tư 34/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y đã hết hiệu lực từ năm 2017 và chưa có văn bản quy định mới. Việc lập biểu chi phí giám định gặp khó khăn do phải căn cứ nhiều tiêu chí và quá nhiều văn bản hướng dẫn. Hơn nữa, chưa có sự thống nhất giữa các tổ chức giám định nên các cơ quan trưng cầu khó khăn trong thanh quyết toán với cơ quan tài chính để chi trả cho cơ quan giám định.

Về phía Viện Pháp y quốc gia, cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng cho biết, một số văn bản quy định hiện còn đang bất cập như: Thông tư số 34/2014/TT-BTC ngày 21/3/2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y đã hết hiệu lực từ năm 2017 nhưng chưa có văn bản thay thế; Thông tư số 31 và Quyết định 01 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định có nhiều bất cập; chưa có hướng dẫn giám định tổn thương cơ thể trên hồ sơ những trường hợp nạn nhân còn sống.

Đối với ngành pháp y, vấn đề nhân lực luôn là vấn đề nan giải bởi đặc thù công việc “bác sĩ của pháp luật”. Theo ông Nguyễn Đức Nhự, việc tuyển dụng cán bộ, nhất là bác sĩ cho giám định pháp y là vô cùng khó khăn. Nhiều nơi, Sở Y tế không thể bố trí được cán bộ cho Trung tâm pháp y. Do thiếu nguồn bác sĩ nên nhiều nơi không thể bổ nhiệm giám định viên để bổ sung cho đội ngũ giám định (trong năm 2024 số lượng bác sĩ của các đơn vị pháp y giảm 4 người do nghỉ hưu, số lượng giám định viên chuyên trách tăng 20 người do bổ nhiệm mới, giám định viên kiêm nhiệm tăng 3 người). Nhiều lãnh đạo của Trung tâm pháp y được điều chuyển từ các chuyên ngành khác không phải chuyên môn pháp y, nhiều cán bộ trong số đó là những người lớn tuổi sắp nghỉ hưu hoặc do bắt buộc bị điều chuyển về làm công tác pháp y.

Theo ông Nguyễn Đức Nhự, đối với ngành pháp y, vấn đề nhân lực luôn là vấn đề nan giải bởi đặc thù công việc “bác sĩ của pháp luật”. Ảnh PV

Theo ông Nguyễn Đức Nhự, đối với ngành pháp y, vấn đề nhân lực luôn là vấn đề nan giải bởi đặc thù công việc “bác sĩ của pháp luật”. Ảnh PV

Theo Trung tá Đặng Trần Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm 1 Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho thấy, hiện nay các cán bộ làm công tác pháp y có nguyện vọng được đào tạo sau đại học một số chuyên ngành để phục vụ công tác đang gặp khó do quy định phải có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, tại các tổ chức pháp y lại không được cấp chứng chỉ hành nghề do không phải là cơ sở điều trị. Do vậy, kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, ưu tiên cho đối tượng đang công tác tại các tổ chức giám định pháp y khi có nhu cầu được đào tạo sau đại học thì không nhất thiết phải có chứng chỉ hành nghề và có chính sách miễn giảm học phí đối với các đối tượng này…

Từ tầm quan trọng của công tác giám định pháp y trong việc hỗ trợ hoạt động tố tụng, đảm báo tính nghiêm minh của pháp luật, đại diện các đơn vị giám định pháp y đều bày tỏ mong muốn tới đây, hệ thống pháp luật về công tác giám định pháp y sẽ tiếp tục được hoàn thiện.

“Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện thủ tục, trình Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp”, theo Viện trưởng Viện Pháp y quân đội, Đại tá Nguyễn Văn Lợi.

Từ phía Viện Pháp y quốc gia, ông Nguyễn Đức Nhự đề xuất: “Sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 31/2015/TT-BYT ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế quy định việc áp dụng chế độ bồi dưỡng, thời gian và số người thực hiện đối với từng loại việc giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.Tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách tăng cường đào tạo nhân lực chuyên ngành pháp y…”.

Cũng nhân dịp này, Viện Pháp y quốc gia đã tổ chức khánh thành trụ sở mới của Viện tại đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội thay thế cho trụ sở cũ tại số 41 phố Nguyễn Đình Chiểu bị hạn chế về cơ sở vật chất không đảm bảo cho công tác giám định. Trụ sở mới có đầy đủ các hạng mục gồm Khối hành chính quản trị, chuyên môn nghiệp vụ, nhà giải phẫu, các hạng mục phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật cơ bản phục vụ cho hoạt động giám định pháp y đạt chất lượng và hiệu quả.

Hoa Bùi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tong-ket-cong-tac-giam-dinh-phap-y-nam-2024-nhan-luc-van-la-van-de-noi-com-post537904.html
Zalo