Nghị lực vượt khó của chị Tình
Chị Bùi Thị Tình người dân tộc Mường ở Thôn 7, xã Tân Lâm, huyện Di Linh có hoàn cảnh hết sức khó khăn, chồng bị bệnh hiểm nghèo, con bị bại liệt bẩm sinh. Đồng cảm với những nỗi khó khăn của gia đình chị Tình, cộng đồng luôn động viên, giúp đỡ nên chị Tình đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, không ngừng nỗ lực lao động để vươn lên trong cuộc sống.
Năm 1998, chị Bùi Thị Tình rời quê hương Hòa Bình theo gia đình vào Lâm Đồng xây dựng kinh tế mới. Đến năm 2008, chị Tình quyết định xây dựng tổ ấm cùng với anh Bùi Văn Toản (người cùng quê). Do hoàn cảnh gia đình chồng có nhiều khó khăn, đất đai sản xuất bị hạn chế, gia đình lại đông con nên khi vợ chồng chị Tình lấy nhau, gia đình chồng chỉ chia cho 3 sào đất để canh tác. Còn về phía gia đình chị Tình chẳng khá hơn là bao nên cũng không chia cho các con những vật dụng, tài sản đáng giá. Hàng ngày, vợ chồng chị chủ yếu đi làm thuê, làm mướn để trang trải cuộc sống gia đình. Chị Bùi Thị Tình bộc bạch: “Cuộc sống gia đình vốn dĩ đã khó khăn, năm 2008, vợ chồng tôi sinh con đầu lòng nhưng bị liệt nửa thân, còn con trai út hiện học lớp 7. Nhiều năm nay, chồng tôi cũng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nên đã 4 năm nay chỉ ở nhà không làm được việc gì. Khó khăn chồng lên khó khăn”.
Chị Bùi Thị Tình chia sẻ thêm, với diện tích 3 sào đất, gia đình chị trồng cây cà phê, do trước đây giá cả thị trường cà phê bấp bênh, nên thu nhập hàng năm không đáng là bao. Khi đã xác định được hướng phát triển kinh tế và thấy bà con trong thôn có thu nhập khá từ nghề trồng dâu, nuôi tằm, năm 2022, chị Tình đã mạnh dạn quyết định phá bỏ 1 sào cà phê đang cho kinh doanh để chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm.
Chị Bùi Thị Tình cho biết: “Được một hộ gia đình ở xã Đinh Trang Hòa cho mượn nhà vườn làm nơi nuôi tằm nên gia đình tôi cũng gặp rất nhiều thuận lợi trong việc nuôi tằm. Từ khi theo nghề trồng dâu, nuôi tằm, kinh tế gia đình có bước phát triển ổn định hơn trước, những tháng cao điểm tôi nuôi gần 1 hộp tằm con/tháng. Những đợt nuôi không đạt chỉ thu được 30 kg kén, còn nuôi đạt cũng thu được 60 kg kén/đợt. Với giá kén tằm trên thị trường tăng ở mức cao, ổn định 200 nghìn đồng/kg thì tôi cũng có nguồn thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, giúp gia đình trang trải được chi phí sinh hoạt, học tập và tiền thuốc thang cho chồng con”.
Với ý chí, nghị lực, quyết tâm thoát nghèo bền vững, chị Tình đã không quản ngại khó khăn, chịu khó tìm tòi, tham khảo các mô hình phát triển kinh tế của bà con, cách làm giàu của một số hộ tiêu biểu trong thôn để phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình.
Ông Hoàng Công Trọng - Bí thư Chi bộ Thôn 7, xã Tân Lâm, huyện Di Linh cho biết: “Đây là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của thôn, vì vậy chi bộ, Ban Nhân dân thôn nhất là Chi hội Phụ nữ luôn động viên, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Một niềm vui nữa lại đến với gia đình chị Bùi Thị Tình là trong năm 2024, gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng, gia đình và anh em trong dòng họ đối ứng khoảng 150 triệu đồng để xây dựng căn nhà đại đoàn kết, giúp gia đình có nơi ăn, chốn ở ổn định, không còn tình cảnh mượn nhà ở. Hiện căn nhà mới của gia đình chị Tình đã cơ bản hoàn thành có tương đối đầy đủ công năng sử dụng như các phòng ngủ, phòng khách, gian bếp và các công trình phụ với tổng diện tích gần 60 m2.
Với sự nỗ lực của bản thân và gia đình cùng sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, hiện gia đình chị Bùi Thị Tình tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững và là một trong 3 hộ nghèo, cận nghèo của thôn được chọn xét công nhận thoát khỏi hộ nghèo trong năm 2024.