Tổng kết chiến dịch '60 ngày' thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân: Vượt xa chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra
Ngày 6-10, Công an (CA) tỉnh Bình Dương tổ chức tổng kết chiến dịch '60 ngày' triển khai Đề án 06 thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) cho công dân đủ điều kiện gắn với triển khai Nghị quyết 50/QN-CP ngày 8-4-3023 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian '60 ngày' được triển khai, với sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành, chiến dịch đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao.
Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc CA tỉnh, trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 20 cá nhân và 45 tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện Đề án 06. Ảnh: THANH QUANG
Nỗ lực vượt khó
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 25-9, toàn tỉnh đã kích hoạt ĐDĐT 1.428.929 tài khoản, đạt tỷ lệ 116,61% so với chỉ tiêu của Bộ CA giao. Sau 2 tháng thực hiện chiến dịch “60 ngày” (từ ngày 25-7 đến ngày 25-9) về kích hoạt ĐDĐT, toàn tỉnh đã kích hoạt hơn 872.907 tài khoản, đạt tỷ lệ 130% so với kế hoạch đã đề ra.
Để có được kết quả này, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ CA ở các địa phương trong tỉnh và đoàn viên thanh niên đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để kích hoạt tài khoản ĐDĐT. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân kích hoạt ĐDĐT đã góp phần đưa Bình Dương đạt được kết quả cao so với kế hoạch đề ra.
Để việc triển khai thực hiện thành công Đề án 06, CA tỉnh Bình Dương được Bộ CA giao nhiệm vụ duy trì nguồn dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” và bảo đảm 100% người dân trong độ tuổi đủ điều kiện được cấp CCCD. Đề án 06 của Chính phủ đang triển khai thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành giữa các bộ, ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo nền tảng để công dân được giải quyết các thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng.
Đến nay, CA tỉnh Bình Dương đã hoàn thành việc cấp CCCD cho người dân và tích hợp tài khoản ĐDĐT mức 2 cho trên 1.428.929 tài khoản, đạt tỷ lệ hơn 111% so với chỉ tiêu Bộ CA giao. Hiện 9/9 đơn vị CA cấp huyện, 91/91 đơn vị CA cấp xã đã hoàn thành chỉ tiêu, vượt tiến độ trước 39 ngày so với thời gian đã cam kết với lãnh đạo Bộ CA và vượt 70 ngày so với chỉ tiêu Bộ CA giao là trước ngày 31-7- 2023. Trong đó, CA tỉnh Bình Dương đã tiến hành cấp 1,98 triệu thẻ CCCD, hoàn thành thu nhận dữ liệu cho 100% công dân đủ điều kiện có mặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo ghi nhận của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính Bộ CA, Bình Dương đang đứng thứ 5 trong cả nước về việc thực hiện nhiệm vụ kích hoạt ĐDĐT cho người dân.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay
Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết sau khi triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Bộ CA giao, các đơn vị, địa phương đã vượt qua khó khăn, triển khai thực hiện những mô hình mới, cách làm hay, đạt hiệu quả cao, đạt được những con số rất ấn tượng. Trong số những địa phương có cách làm hay, linh động để sớm hoàn thành chỉ tiêu là phường Thuận Giao (TP.Thuận An).
Phường Thuận Giao hiện có khoảng 120.000 dân, là một trong 4 phường trọng điểm của TP.Thuận An. Tính đến tháng 10-2023, 100% công dân sinh sống trên địa bàn phường Thuận Giao đủ điều kiện được làm CCCD có gắn chíp, 40.000 trường hợp đã được kích hoạt ĐDĐT. Thiếu tá Trần Thanh Quang, Trưởng CA phường Thuận Giao, cho biết để có điều kiện thu nhận thông tin ĐDĐT, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, phường mua 2 máy vi tính đúng chuẩn để sử dụng vào công tác này.
Theo đó, lực lượng CA phường tham mưu huy động cả hệ thống chính trị cơ sở, chia thành 5 tổ đến 5 khu phố của phường hướng dẫn cho người dân kích hoạt ĐDĐT. Ngoài ra, CA phường còn phối hợp với các công ty, xí nghiệp trú đóng trên địa bàn để làm CCCD và kích hoạt ĐDĐT cho hàng ngàn công nhân. Đối với các trường hợp không có khả năng đến trụ sở CA phường hay các điểm lưu động trong khu dân cư, CA địa phương đến tận nhà để làm CCCD và kích hoạt ĐDĐT.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đại diện CA phường Tân Bình (TP.Dĩ An) cho biết thời gian qua, CA phường gặp nhiều khó khăn trong việc làm CCCD và kích hoạt ĐDĐT cho người dân trên địa bàn. Nguyên nhân là trên địa bàn phường có nhiều trường hợp phân lô bán nền tự phát. Khi người dân vào ở trong các khu dân cư tự phát đã gây khó khăn cho công tác cấp CCCD và kích hoạt ĐDĐT.
Để bảo đảm quyền lợi cho người dân, CA địa phương dùng xe phát thanh lưu động để tuyên truyền. Song song đó, cảnh sát khu vực phối hợp với Ban điều hành khu phố đến các khu trọ để cấp CCCD và kích hoạt ĐDĐT cho người dân. Tại các điểm tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính ở phường, chính quyền địa phương bố trí lực lượng đoàn viên kiểm tra việc kích hoạt ĐDĐT của người dân, sau đó hướng dẫn người dân thực hiện”.
Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết thời gian tới CA tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan trong tỉnh tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn lợi ích của ĐDĐT mức 2; tiếp tục hỗ trợ lực lượng có thêm điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ công tác kích hoạt ĐDĐT; tiếp tục thực hiện các mô hình điểm mà CA tỉnh đã ký với Bộ CA; 43 mô hình điểm của Bộ CA. Qua đó, sẽ chọn những mô hình dễ làm để thực hiện trước, giúp người dân thấy rõ được các lợi ích khi sử dụng tính lợi ích của mô hình này.
Hiện Bình Dương đang thực hiện thí điểm tích hợp giấy phép lái xe trên ứng dụng VNeID theo tinh thần Nghị quyết 50 của Chính phủ. Đến nay, Bình Dương đã thu nhận tích hợp hơn 239.000 giấy phép lái xe được xác thực trên ứng dụng VNeID. “Tuy nhiên con số này còn rất thấp do vướng một số khó khăn. Để giải quyết khó khăn này, thời gian tới CA tỉnh Bình Dương đề nghị Sở Giao thông - Vận tải tỉnh tham mưu Bộ Giao thông - Vận tải đổi lại giấy phép lái xe cho người dân để phù hợp”, Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc CA tỉnh cho biết.