Nâng cao chất lượng góp ý kiến phản biện xã hội
Hoạt động phản biện xã hội của MTTQ các cấp đã được tăng cường trong những năm gần đây, trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm, có tác động thực tế và là hoạt động đột phá của mặt trận cùng các tổ chức thành viên, để thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Đó là nhận định của đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tại buổi Tọa đàm nâng cao chất lượng các ý kiến phản biện xã hội (PBXH) của ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh vừa được Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức.
Cụ thể hóa và thực chất trong phản biện xã hội
Hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, công tác PBXH trong nhiều năm qua đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh. Trong 5 năm (2019-2024), MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trên 200 cuộc PBXH, tập trung vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
“Đây là một trong những hoạt động quan trọng giúp Đảng, Nhà nước có thêm thông tin trước khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành; góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn nhấn mạnh.
Là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác PBXH, ông Đào Tấn Sự, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Hòa cho biết: Hiện nay, 100% ủy ban MTTQ cấp xã trên địa bàn huyện đã tổ chức được PBXH. Kết quả này là nhờ có sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận với các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền.
“Đặc biệt là các ý kiến PBXH của mặt trận gửi đến cơ quan chức năng được xem xét, tiếp thu, giải trình, điều chỉnh phù hợp, sát với tình hình thực tế của địa phương, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội của Nhân dân”, ông Sự nói.
Kết quả PBXH được dư luận đánh giá cao, mang tính thực tiễn, thể hiện được ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, các đại biểu có mặt tại buổi tọa đàm gồm đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy, chủ tịch ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố, các chuyên gia thuộc các hội đồng tư vấn... cũng thẳng thắn nhìn nhận việc tiếp thu, trả lời, phản hồi các kiến nghị của mặt trận sau PBXH của các cơ quan, tổ chức, đơn vị soạn thảo đôi lúc chưa kịp thời; vai trò PBXH của mặt trận chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức.
Hình thức phản biện của mặt trận chưa phong phú, đa dạng chủ yếu gửi dự thảo văn bản phản biện, chưa tổ chức được nhiều phản biện đối thoại trực tiếp, nhất là cấp xã, phường, thị trấn. Trình độ, năng lực cán bộ làm công tác mặt trận chưa ngang tầm với công tác PBXH hiện nay; MTTQ chưa phát huy hết vai trò của các hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhân sĩ, trí thức trong công tác PBXH...
Đảm bảo tính đa dạng, tính đại diện, tính chuyên sâu
Để công tác PBXH của MTTQ đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, ThS Nguyễn Hoài Sơn, thành viên hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ: Hằng năm, trên cơ sở xác định các chuyên đề, lĩnh vực cụ thể để triển khai kế hoạch PBXH, MTTQ cần phát huy tối đa tiềm năng to lớn của các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, hội đồng tư vấn. Đồng thời thông qua hoạt động của mặt trận và các tổ chức thành viên, mặt trận tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân, tập hợp dư luận xã hội để bảo đảm tính đa dạng, tính đại diện, tính chuyên sâu mang hàm lượng khoa học cao, sát thực tiễn hơn trong đóng góp ý kiến PBXH.
Ông Nguyễn Xuân Khiêm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An đề nghị: MTTQ phải kiên trì, bền bỉ trong việc theo dõi kết quả các cơ quan, cấp có thẩm quyền giải trình việc tiếp thu, không tiếp thu nội dung PBXH của tổ chức mặt trận. Tổ chức mặt trận phải theo đuổi vấn đề đến cùng, bảo vệ quan điểm của mình một cách công tâm, khách quan; chủ động, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc về thể chế và nảy sinh trong quá trình thực thi để chủ động đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung. Nếu cần thiết thì tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của người dân đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng đề nghị, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động tạo sự gắn kết giữa công tác nắm tình hình nhân dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri với việc triển khai công tác PBXH. Trên cơ sở kết quả nắm tình hình nhân dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri để xác định, lựa chọn những vấn đề cần phải làm rõ, từ đó xây dựng kế hoạch PBXH để bảo đảm nội dung và kết quả phản biện thực sự sát với những vấn đề mà Đảng và Nhà nước mong muốn, Nhân dân quan tâm.
Tọa đàm đã gợi mở được những cách làm hay, kinh nghiệm quý báu nhằm giúp ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục phát huy và thực hiện tốt chức năng PBXH của MTTQ các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác mặt trận nói riêng, mục tiêu phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh, huyện nói chung.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ,
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh