Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Hà Nam ước đạt 8.596 tỷ đồng
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, năm 2024, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn tỉnh ước đạt 8.596 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), đạt 98,3% kế hoạch năm.
Tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt 363.071,2 tấn, bằng 99,23% kế hoạch, trong đó sản lượng lúa cả năm ước đạt 337.713,5 tấn; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 99.700 tấn, tăng 0,48% so với năm 2023 và đạt 100% kế hoạch; tổng sản lượng thủy sản 24.900 tấn (trong đó, sản lượng nuôi trồng 24.400 tấn, sản lượng khai thác 500 tấn).
Các chương trình, đề án tiếp tục được ngành triển khai có hiệu quả, như: Đề án xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn, vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025 duy trì 4 vùng với tổng diện tích gần 49 ha; xây dựng với 75 cánh đồng mẫu, tổng diện tích 1.858 ha, giá trị sản xuất đạt 150 – 160 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần so với diện tích sản xuất chung của tỉnh…
Toàn tỉnh Hà Nam, có 48 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; 157 sản phẩm OCOP ( chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao trở lên…
Năm 2025, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam phấn đấu, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.757 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 1,9% so với năm 2024; sản xuất lương thực đạt 344.216 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 100.100 tấn; sản lượng thủy sản 25.600 tấn; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100% (tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 92%); số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 là 52/65 xã.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra một số giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; chủ động phòng, chống thiên tai; xây dựng nông thôn mới bền vững.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất; phối hợp với ngành Công thương thực hiện công tác xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa; kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về lĩnh vực đê điều, thủy lợi; quan tâm công tác phòng chống cháy rừng; hỗ trợ chủ thể sản xuất sản phẩm áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất các sản phẩm OCOP…