Cơ hội cho các sản phẩm địa phương

Hơn một năm kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, khách hàng ở các quốc gia Hồi giáo như Indonesia và Malaysia tiếp tục tẩy chay các thương hiệu lớn phương Tây như KFC, McDonald's, Pizza Hut, Starbucks và Unilever… Trào lưu này đã thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương sản xuất các sản phẩm thay thế một cách ngoạn mục.

Theo một cuộc khảo sát người tiêu dùng do GlobalData công bố vào tháng 7-2024, ở Malaysia và Indonesia, khoảng 70% số người được hỏi đã tham gia tẩy chay một số thương hiệu do các cuộc xung đột gần đây. Chỉ trong vài tháng sau khi cuộc tẩy chay bắt đầu, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh mới Almaz Fried Chicken đã mở 37 cửa hàng tại Indonesia.

Phát biểu hồi đầu tháng 12-2024, Tổng Giám đốc điều hành Almaz Fried Chicken, ông Okta Wirawan cho biết, muốn mở thêm 10 cửa hàng nữa vào cuối năm. Chuỗi cửa hàng này dự kiến sẽ hòa vốn sau 7 tháng kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 6-2024 bằng cách thu hút “fan” của các chuỗi như KFC. Almaz Fried Chicken đã cam kết dành 5% lợi nhuận cho các hoạt động từ thiện, bao gồm cả viện trợ cho người Palestine. Vì vậy, khách hàng có cảm giác không chỉ mua thực phẩm mà còn đóng góp vào một mục đích cao cả.

Tương tự, 2 tháng sau khi xung đột Israel - Hamas bắt đầu, Fore Coffee đã nhận được chứng chỉ halal để hỗ trợ cho hoạt động mở rộng nhanh chóng của mình. Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất, vì vậy việc có chứng nhận halal đang tác động đáng kể đến doanh số bán hàng. Khoản lỗ tại Fast Food Indonesia, đơn vị điều hành KFC Indonesia, tăng gần gấp 4 lần lên 557 tỷ rupiah, buộc công ty phải đóng cửa gần 50 cửa hàng và sa thải khoảng 2.000 công nhân. MAP Boga Adiperkasa, đơn vị điều hành Starbucks tại địa phương, từ mức lãi 111 tỷ rupiah đã bị lỗ 79 tỷ rupiah so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của Unilever Indonesia cũng đã giảm 28% xuống còn 3.000 tỷ rupiah.

 Một cửa hàng Starbucks ở Kuala Lumpur treo biển “tạm thời đóng cửa” sau khoản lỗ ròng 20,5 triệu USD trong nửa đầu năm 2024. Ảnh: NIKKEI ASIA

Một cửa hàng Starbucks ở Kuala Lumpur treo biển “tạm thời đóng cửa” sau khoản lỗ ròng 20,5 triệu USD trong nửa đầu năm 2024. Ảnh: NIKKEI ASIA

Cuộc tẩy chay đã giúp người dân địa phương quay ra yêu thích các sản phẩm địa phương. Reni Lestari, một công nhân 31 tuổi ở Jakarta, đã sử dụng các sản phẩm của Unilever trong thời gian dài, nhưng cô đã từ bỏ tất cả từ tháng 10-2023, khi xung đột xảy ra ở Trung Đông và hơn 45.000 người thiệt mạng. Hiện cô tự làm xà phòng và dầu gội đầu bằng các thành phần như cà phê và lô hội, đôi khi cô bán cho bạn bè. Đối với các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác, cô đã chuyển sang các sản phẩm do các công ty địa phương như Wings Group sản xuất.

Giống như ở Indonesia, người tiêu dùng Malaysia đã chuyển từ Starbucks sang các nhà cung cấp cà phê địa phương như ZUS Coffee, Gigi Coffee, Artisan Roast Coffee và các nhà cung cấp khác. Indonesia và Malaysia đều không có quan hệ ngoại giao với Israel và từ lâu đã là những nước ủng hộ Palestine. Ông Martin Roll, một chiến lược gia thương hiệu và kinh doanh toàn cầu, cho rằng các công ty bị ảnh hưởng nên điều chỉnh hoạt động bằng cách giới thiệu hoặc mở rộng thực đơn phù hợp với khẩu vị địa phương, cũng như tiếp nhận nhiều nguồn cung địa phương hơn vào chuỗi cung ứng.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/co-hoi-cho-cac-san-pham-dia-phuong-post776197.html
Zalo