Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP: Thẳng thắn nhìn nhận, mạnh mẽ đổi mới

Vừa qua, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 đồng thời đề ra các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.

Trong năm 2024, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã có những chuyển biến tích cực trong công tác đầu tư và phát triển với một số các dự án đầu tư nhằm chặn đà giảm sút và tăng cường năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, Tổng công ty vẫn đang gặp một số khó khăn liên quan đến dự án đầu tư, đất đai, cổ phần hóa, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Một số đơn vị trực thuộc Tổng công ty như Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, Công ty Luyện cán thép Việt Trung… vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và vận hành.

Trong bức tranh tổng thể về sản xuất - kinh doanh vẫn không mấy tươi sáng đó, tồn tại lớn nhất là hai dự án Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (VTM). Chia sẻ và ghi nhận những cố gắng vượt bậc của ban lãnh đạo và người lao động của VTM, Tổng giám đốc Nghiêm Xuân Đa gửi lời tri ân tới họ, những con người 3 năm qua vẫn kiên cường bám trụ tại nhà máy. Ông Đa cũng quả quyết đây là 2 nhiệm vụ trọng tâm của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP trong năm 2025.

Khó khăn là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên, bước sang năm 2025, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP Nghiêm Xuân Đa yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải xác định một tâm thế khác trước khó khăn, đó là không được mang khó khăn ra làm nguyên nhân để giải thích những việc chưa làm được của mình. Ông Đa nói: “Cạnh tranh thị trường khốc liệt, tuy nhiên, tôi xin khẳng định đây là việc phải đối mặt, chúng ta không nên kêu ca và lấy đó làm lý do".

"Trong sản xuất kinh doanh, phải xây dựng kế hoạch thực hiện thật chi tiết theo tháng, theo tuần, đẩy mạnh đổi mới rà soát để các nhà phân phối giữ vững thị phần, thực hiện các giải pháp kiểm soát chi phí, phấn đấu giảm giá thành. Cần phải có những giải pháp mang tính đột phá. Từng cán bộ và lãnh đạo đơn vị phải làm gương. Trong nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP giai đoạn mới, cần tập trung vào các dự án đổi mới. Lý do là vì các nhà máy của chúng ta được xây dựng đã quá lâu rồi. Truyền thống thì ai cũng trân trọng, gìn giữ, nhưng máy móc dây chuyền cũ rồi thì phải nâng cấp để nâng cao năng lực sản xuất, chiếm lĩnh thị trường trước những đối thủ lớn hơn chúng ta rất nhiều như Hòa Phát, Fomosa…”

Năm 2025 là năm Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP kỷ niệm 30 năm thành lập, Tổng giám đốc Nghiêm Xuân Đa kêu gọi toàn thể CBCNV-LĐ phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vươn lên. Bằng sự quyết tâm và đồng lòng của toàn bộ CBCNV-LĐ, khó khăn sẽ lùi bước, nhiệm vụ sẽ hoàn thành, để cùng giữ vững mục tiêu "Tự hào truyền thống, vững bước tương lai” và cùng nhau bước sang một giai đoạn phát triển mới ở tuổi "tam thập"!

Năm 2024, sản lượng sản xuất và tiêu thụ toàn hệ thống Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP so với năm 2023 đều có tăng trưởng. Cụ thể

Về sản xuất phôi thép tăng 12,1%; về tiêu thụ thép thành phẩm tăng 21,3%, trong đó: thép cán dài tăng 10,7%; thép cán nguội tăng 47,6% và tôn mạ tăng 52,9%.
Tổng doanh thu trên BCTC hợp nhất ước tăng gần 7% so với năm 2023.

Việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho Dự án Tisco 2 và Công ty VTM sau rất nhiều năm không có nhiều chuyển biến, đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, đã được Bộ chính trị thống nhất thông qua phương án xử lý.

Ngô Minh

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/tong-cong-ty-thep-viet-nam-ctcp--thang-than-nhin-nhan--manh-me-doi-moi-132128.htm
Zalo