Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng trưởng khá
Năm 2024, nhất là trong những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc với số đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tăng cao. Từ đó, tác động đến tăng trưởng chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp.
Nhìn lại tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp năm 2023 có thể thấy rõ, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn đã khiến cho nhiều công ty phải cắt giảm lao động, giảm ngày làm hay cho công nhân lao động làm việc luân phiên. Từ đó kéo theo chỉ số lao động năm 2023 giảm 4,13% so với năm 2022; giảm nhiều nhất là ở ngành công nghiệp khai khoáng và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số lĩnh vực sản xuất có chỉ số giảm sâu như: da; giường, tủ, bàn ghế; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị… với mức giảm từ 18% đến 40%.
Năm 2024, cùng với sự phục hồi tổng cầu trong nước và thế giới, hoạt động sản xuất công nghiệp cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc, thúc đẩy chỉ số sử dụng trong năm tăng cao so với năm 2023. Theo số liệu từ Cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tính tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giữ vai trò chủ đạo là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 16,7%. Có 18/26 ngành cấp II có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều ngành chủ lực như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; thiết bị điện; sản phẩm từ cao su và plastic; kim loại; xe có động cơ; chế biến thực phẩm và sản xuất trang phục… với mức tăng từ 5 đến 35%. Ngoài ra, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh trong 11 tháng năm 2024 cũng có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023. Điển hình là sản phẩm dây điện; linh kiện, thiết bị điện tử; thịt lợn, gà tươi hoặc ướp lạnh; sữa các loại; thức ăn chăn nuôi; xi măng và clanke; bia; quần áo may sẵn…
Từ những con số thống kê trên cho thấy, bức tranh kinh tế của Hà Nam năm 2024 đã có những tín hiệu hồi phục tích cực, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo đang “ấm” dần lên. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng trưởng trở lại. Nhiều doanh nghiệp đã hợp đồng thêm đơn hàng mới, dẫn đến số lao động được sử dụng trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng theo. Đặc biệt, trong năm 2024, Hà Nam ghi nhận sự phục hồi rõ nét nhất là ngành may mặc. Các doanh nghiệp này đã ký được nhiều đơn hàng mới cho dịp cuối năm và những tháng đầu năm 2025; từ đó, lao động làm việc trong ngành này cũng tăng cao so với năm 2023.
Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại Ngọc Ánh (xã Công Lý, Lý Nhân) cho biết: Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, năm 2024, Công ty Ngọc Ánh đã có sự khởi sắc về đơn hàng. Sản xuất, kinh doanh ổn định, công ty liên tục phải tuyển dụng thêm công nhân lao động nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, nhu cầu về lao động tăng gấp nhiều lần so với các thời điểm khác trong năm. Hiện, ngoài 300 lao động làm việc thường xuyên, công ty còn tuyển hàng nghìn lao động làm việc thời vụ và thuê các xưởng may trên địa bàn làm gia công mới đáp ứng yêu cầu tiến độ các đơn hàng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Cũng như Công ty cổ phần sản xuất thương mại Ngọc Ánh, năm 2024, nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, lĩnh vực đều có nhu cầu cao về nguồn lao động để khôi phục sản xuất sau nhiều năm gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao nhất là tháng đầu tiên của quý IV do các doanh nghiệp tăng công suất hoạt động để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm cũng như dồn sức sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo số liệu thống kê, tháng 10/2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp đạt mức tăng cao (tăng 3,23% so với tháng trước và tăng 14,79% so với cùng tháng năm trước). Tiếp tục đà tăng trưởng, tháng 11, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tỉnh ước tăng 1,73% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 9,61% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ghi nhận mức tăng cao nhất là ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tăng 13,61%). Chia theo ngành công nghiệp cấp I, chỉ số lao động ở hầu hết các ngành như khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước đều tăng khá so với cùng kỳ.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh do nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi. Các doanh nghiệp ký kết được nhiều đơn hàng dài hạn với quy mô lớn. Riêng trong quý IV/2024, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tuyển khoảng 10.000 lao động. Hiện, số lao động làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 91.000 lao động, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Để đáp ứng nguồn lao động phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, thời gian qua, Ban thường xuyên nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, các địa phương, kết nối với các cơ sở đào tạo nghề giúp doanh nghiệp tuyển dụng đủ lao động.
Cùng với đà phục hồi, tăng trưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp, dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao. Để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động cũng như giúp cho người lao động ổn định việc làm, tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm; tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu lao động, các dịch vụ cung ứng lao động cho doanh nghiệp…