Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lãi 2.502 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024

Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) trong 9 tháng đầu năm 2024 đều đạt, hoặc vượt trội cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động khai thác tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ (Cảng Hải Phòng) ngày 13/9/2024.

Hoạt động khai thác tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ (Cảng Hải Phòng) ngày 13/9/2024.

Theo đó, doanh thu hợp nhất VIMC tính đến hết tháng 9/2024 ước đạt 13.592 tỷ đồng, bằng 135% cùng kỳ năm ngoái và bằng 101% kế hoạch 9 tháng; lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 2.502 tỷ đồng, bằng 157% cùng kỳ năm ngoái và bằng 92% kế hoạch 9 tháng.

Trong đó, Công ty mẹ đạt doanh thu 2.372 tỷ đồng, bằng 157% cùng kỳ năm ngoái và bằng 98% kế hoạch 9 tháng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.402 tỷ đồng, bằng 454% cùng kỳ và bằng 150% kế hoạch 9 tháng đầu năm.

Cũng trong 9 tháng đầu năm, sản lượng vận tải toàn Tổng công ty đã đạt 13,5 triệu tấn; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 109,4 triệu tấn.

Theo đánh giá của VIMC, trong 9 tháng năm 2024, thị trường vận tải tàu hàng rời diễn biến không ổn định. Chỉ số BDI liên tục tăng giảm thất thường trong khoảng từ 1.800 đến 2.300 điểm do nhu cầu tiêu thụ hàng rời thiếu ổn định tại Trung Quốc, Châu Mỹ, Ấn Độ.

Thị trường chủ yếu được dẫn dắt bởi cỡ tàu Capesixe trong khi các phân khúc tàu nhỏ hơn như Supramax và Handysize duy trì ổn định trong những tháng vừa qua nhờ nhu cầu tăng tại khu vực Châu Á và Châu Mỹ.

Chỉ số vận chuyển tàu dầu sản phẩm BAIT suy giảm trong một vài tháng gần đây khi dao động trong khoảng 580 - 620 điểm. Mặc dù vậy, giá cước vận tải tàu dầu vẫn duy trì ở mức cao hơn so với năm ngoái nhờ nhu cầu ổn định của thị trường, gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung tàu hạn chế.

Đối với thị trường vận tải tàu container sau những tháng đầu năm suy giảm, chỉ số World Container Index (WCI) phục hồi tốt kể từ tháng 5.

Thị trường diễn biến tích cực, giá cước vận tải tăng cao so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do cuộc xung đột tại Biển Đỏ tiếp tục diễn biến phức tạp, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng chính thế giới, nhu cầu tiêu dùng phục hồi tại thị trường Mỹ và châu Âu...

Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, giá cước trung bình đã giảm liên tiếp kể từ thời điểm giữa tháng 7 do các hãng tàu đã dần thích ứng được với việc phải định tuyến lại, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng chính thế giới dần được cải thiện, nhu cầu, số lượng tàu đóng mới bàn giao tiếp tục ở mức cao... Tình hình thị trường vận tải container nội địa không có quá nhiều biến động so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, sản lượng khai thác trên chiều Hải Phòng - TP.HCM duy trì được sự ổn định và tích cực so với năm 2023 nhờ một số mặt hàng chính tăng. Các hãng tàu đều duy trì tần suất khai thác và các tuyến nên sự cạnh tranh tại thị trường nội địa vô cùng gay gắt. Bên cạnh đó, mặc dù một số hãng đã cho thuê tàu định hạn và cho lên đà, nhưng nguồn cung tàu khai thác tại thị trường nội địa vẫn vượt quá nhu cầu.

“Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2023. Các khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cao như TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh”, đại diện VIMC thông tin.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tong-cong-ty-hang-hai-viet-nam-lai-2502-ty-dong-trong-9-thang-dau-nam-2024-d226041.html
Zalo