Tổng Bí thư Tô Lâm: Tổ chức lại bộ máy không phải để tiết kiệm tiền

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức, bộ máy không phải là để tiết kiệm tiền hay chi phí, đó chỉ là một phần. Quan trọng nhất là nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, đưa đất nước phát triển.

Tăng trưởng phải đi đôi với chất lượng cuộc sống người dân

Sáng 13/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp tổ sáng 13/2 (Ảnh: Phạm Thắng).

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp tổ sáng 13/2 (Ảnh: Phạm Thắng).

Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay được nhân dân, các cơ quan và Quốc hội đồng tình ủng hộ, tổ chức triển khai thực hiện rất nhanh, rất tốt.

Cho rằng đây là chủ trương đúng đắn và cũng là điều mong đợi từ lâu của người dân, Tổng Bí thư cho biết, việc tinh gọn tổ chức, bộ máy không phải là để tiết kiệm tiền hay chi phí, đó chỉ là một phần. Quan trọng nhất là đẩy mạnh hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy để đưa đất nước phát triển.

Ông chỉ ra thực tế, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Quốc hội, Chính phủ đã được tổ chức thực hiện nhưng chưa đạt được yêu cầu, chưa đạt chỉ tiêu, định mức, chưa đạt nhu cầu, mong muốn của nhân dân.

"Phải chăng là do khâu tổ chức thực hiện? Điều đó đòi hỏi, chúng ta thực hiện tinh gọn bộ máy, đưa đất nước bứt phá lên.

Nếu vấn đề chưa chín, chưa rõ, còn nhiều tâm trạng, ý kiến này khác thì không chắc đã thực hiện được. Trên thực tế mọi người rất đồng tình với chủ trương tinh gọn bộ máy lần này", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Để đưa đất nước phát triển, trong nhiều nhiệm vụ, ngoài bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn độc lập chủ quyền… Tổng Bí thư cho rằng có hai nhiệm vụ rất quan trọng, đó là phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.

"Đất nước tăng trưởng thì đời sống của nhân dân phải được thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Ta nói tăng trưởng thì đời sống nhân dân không thể không tăng, phải nâng cao toàn diện trên các lĩnh vực, từ xã hội đến y tế, đến giáo dục, văn hóa…", ông nói.

Theo Tổng Bí thư, chất lượng đời sống nhân dân phản ảnh rõ hiệu quả của quản lý Nhà nước: "Không thể nói tăng trưởng thế này, thế kia, tăng trưởng mấy con số trong khi đời sống nhân dân không được đáp ứng. Phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân gắn liền với nhau, là mục tiêu xuyên suốt".

Thời điểm vàng để tổ chức, sắp xếp lại bộ máy

Tổng Bí thư chỉ ra, nhiều năm qua, các nghị quyết Trung ương đã đánh giá bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Đến Nghị quyết 18 khóa XII, Trung ương tiếp tục khẳng định điều đó nhưng kết quả thực hiện chưa được như mong muốn và đến khóa XIII tiếp tục phải làm.

Theo Tổng Bí thư, vừa qua, chúng ta đã đặt vấn đề tổng kết lại Nghị quyết 18 xem đã làm được những gì và kết quả còn quá nhiều việc chưa làm được.

Nhấn mạnh vấn đề này là cấp bách, không thể chờ đợi, Tổng Bí thư chia sẻ, đây là thời điểm vàng để sắp xếp, tinh gọn bộ máy. "Nếu để sau Đại hội Đảng sẽ rất khó khăn", ông nói.

Toàn cảnh phiên họp tổ có sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm (Ảnh: Phạm Thắng).

Toàn cảnh phiên họp tổ có sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm (Ảnh: Phạm Thắng).

Trong quá trình thực hiện, theo Tổng Bí thư, đã có nghiên cứu kỹ về hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả từ lịch sử của đất nước đến kinh nghiệm trên thế giới.

"Các nước đều phải tính đến hiệu quả của bộ máy. Nếu chính phủ không hiệu quả, dân sẽ mất tín nhiệm ngay.

Do đó, phải có tiêu chí để xem xét, quan tâm đến khả năng lãnh đạo, tầm nhìn dài hạn, khả năng thích ứng, ưu tiên chiến lược và sự đổi mới của chính quyền, Chính phủ.

Mỗi giai đoạn cách mạnh, mỗi đường hướng phải có bộ máy để thực thi việc đó.

Đơn cử để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì bộ máy thực thi, chính sách pháp luật phải đảm bảo được mục tiêu đó", Tổng Bí thư chỉ rõ.

Lấy ví dụ về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Bí thư cho biết, nhìn lại trên thế giới chỉ có hai nước có Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Việt Nam với Lào. Song Lào bây giờ cũng đã nhập bộ này với Bộ Tài chính.

Qua nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rất nhiều việc của kế hoạch, phát triển kinh tế, chiến lược kinh tế. Trong bộ có tới ba viện nghiên cứu về kinh tế.

"Như vậy là nhầm hết chân, đây là việc của Ban kinh tế để hoạch định chính sách, không phải chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể tổng hợp tất cả vấn đề của đất nước, chẳng hạn như tình hình của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng", ông chỉ ra.

"Hay nói thêm về tài chính, hiện có hai bộ thu và chi. Thu/chi nước ngoài là do Bộ Kế hoạch còn thu trong nước là Bộ Tài chính. Chuyện này là vô lý", Tổng Bí thư nói thêm.

Song song xây dựng bộ máy, Tổng Bí thư lưu ý cần liên tục kiểm điểm, đánh giá hằng năm, theo nhiệm kỳ, bởi "nếu không nhìn lại mà cứ bằng lòng với nhau thì không thấy được vấn đề".

Cùng đó, phải tính đến khả năng quản lý ngân sách: "Ngân sách có, tiềm lực như thế tại sao lại không phát triển được? Vì sao hệ thống quy định lại phức tạp đến mức có tiền không tiêu được; địa phương này, muốn hỗ trợ địa phương khác không được; hợp tác đầu tư công - công không được, hợp tác công - tư cũng không được?

Tất cả theo kế hoạch, đầu nhiệm kỳ Quốc hội phân bổ hết vốn hằng năm và muốn điều chỉnh lại phải xin lên Quốc hội. Sau đó, Chính phủ phân bổ cho địa phương và cứ thế để làm. Đồng nào mua muối thì phải mua muối, đồng nào mua gạo là phải mua gạo không được thay đổi. Vậy lãnh đạo địa phương có việc gì để làm, năng động sáng tạo ở đâu?".

Theo Tổng Bí thư, vừa qua, chúng ta đã đặt vấn đề tổng kết lại Nghị quyết 18 xem đã làm được những gì và kết quả còn quá nhiều việc chưa làm được. (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo Tổng Bí thư, vừa qua, chúng ta đã đặt vấn đề tổng kết lại Nghị quyết 18 xem đã làm được những gì và kết quả còn quá nhiều việc chưa làm được. (Ảnh: Phạm Thắng).

Cuối cùng, theo Tổng Bí thư, phải tính đến năng lực cạnh tranh của thị trường, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Nhìn lại 40 năm qua, chúng ta đánh giá thành quả của mình là vĩ đại, từ nghèo khổ đi lên nhưng "nhìn ra thế giới thì mình quá chậm".

"Nhìn sang Singapore, vào năm 1965-1966, Singapore mới thành lập, rất nhiều khó khăn, chỉ mong được tới Sài Gòn, khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Còn 50 năm sau thì ta lại mong sang Singapore khám bệnh", ông lấy ví dụ.

Bộ máy phải phục vụ xã hội

Đặt vấn đề làm cách nào để đánh giá bộ máy chính quyền hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Tổng Bí thư lấy ví dụ một quận, huyện của Hà Nội là huyện Đông Anh thu gần 30.000 tỷ, quận Hoàn Kiếm 22.000 tỷ, bằng nhiều tỉnh, thậm chí hơn hai chục lần một tỉnh nghèo.

"Vậy tại sao một huyện, một quận với quy mô đất đai như thế, dân số như thế người ta lại làm được kinh tế như vậy?

Tại sao có nơi với quy mô, phạm vi của một tỉnh lại làm kinh tế "đì đẹt", tốc độ phát triển như thế này? Người ta không có đất đai, tiềm năng, tài nguyên… không có gì cả, người ta lại khuyến khích được sản xuất, kinh doanh để làm việc và có nguồn thu. Muốn làm được thì phải mang sách vở đến mà học, phải tính toán lại, rút kinh nghiệm…", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cho rằng, để phát huy năng lực phát triển của toàn xã hội thì bộ máy phải phục vụ xã hội, động viên nhân dân tham gia (Ảnh: Phạm Thắng).

Tổng Bí thư cho rằng, để phát huy năng lực phát triển của toàn xã hội thì bộ máy phải phục vụ xã hội, động viên nhân dân tham gia (Ảnh: Phạm Thắng).

Từ vấn đề này, ông nhấn mạnh: "Tại sao cùng cơ chế chính sách như thế, một đất nước như thế mà tại sao người ta làm được, vậy phải tìm ra cái gì là cái kìm hãm, hạn chế và bài học phải rút ra là gì?".

Yêu cầu cần phải cải cách ngay để tăng trưởng, Tổng Bí thư cho rằng, chỉ có tăng trưởng thì mới có đủ tiềm lực để bảo vệ Tổ quốc, mới đủ điều kiện để thực thi được các chính sách của Đảng, Nhà nước, hoàn thành các mục tiêu, loại bỏ nguy cơ tụt hậu.

Một lần nữa, ông nhấn mạnh, trong số các giải pháp để tăng trưởng, việc tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu rất quan trọng.

"Để phát huy năng lực phát triển của toàn xã hội thì bộ máy phải phục vụ xã hội, động viên nhân dân tham gia. Những gì cản trở phát triển hai con số, những gì là điểm nghẽn thì phải giải quyết, phải khơi thông, phải làm rõ. Cả xã hội chuyển mình, ai cũng phải nghĩ để thực hiện", Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở và nhấn mạnh cần phải khơi dậy sự đồng lòng, phát huy sức mạnh của nhân dân.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tong-bi-thu-to-lam-to-chuc-lai-bo-may-khong-phai-de-tiet-kiem-tien-192250213130258909.htm
Zalo