Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh gọn tổ chức bộ máy, tiết kiệm tiền chỉ là một phần
'Tinh gọn tổ chức bộ máy, tiết kiệm tiền chỉ là một phần. Quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy, đưa đất nước phát triển lên. Đây là điều mong mỏi nhất', Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 13/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, chủ trương tinh gọn bộ máy được nhân dân, các cơ quan, Quốc hội đồng tình, ủng hộ, triển khai rất nhanh, rất tốt, cho thấy chủ trương rất đúng.
“Tôi cho rằng, đây là điều người dân mong đợi lâu rồi, tinh gọn tổ chức bộ máy, tiết kiệm tiền chỉ là một phần thôi. Quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy, đưa đất nước phát triển lên. Đây là điều mong mỏi nhất”, Tổng Bí thư bày tỏ.
![Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: Như Ý](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_20_51467140/c40eb9ff88b161ef38a0.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: Như Ý
“Phát triển con người cũng là mục tiêu rất quan trọng. Trong một xã hội phát triển, đất nước phát triển, người dân có nhu cầu về chăm sóc, học hành, tự do, làm giàu, phát triển. Phải tính đến chuyện như vậy, quyền làm chủ của người dân, cơ chế về dân chủ, đây là mục tiêu của chúng ta”, Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, muốn đất nước phát triển, trước tiên phải có sự tăng trưởng, đây là nhiệm vụ quan trọng. Tăng trưởng rồi, đời sống nhân dân phải thỏa mãn được nhu cầu ngày càng cao trên tất cả các mặt. Còn tăng trưởng mà đời sống thực tế của nhân dân không tăng thì không được. “Kinh tế phát triển thì đời sống người dân phải được nâng cao. Đấy là mục tiêu xuyên suốt”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
Tổng Bí thư cũng nêu rõ, từ nhiều khóa, Trung ương đã xác định bộ máy còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết 18 khẳng định vấn đề đó, bây giờ phải tiếp tục làm. Vừa qua, tổng kết Nghị quyết số 18, thấy còn quá nhiều việc chưa làm được.
“Khi sắp xếp, có đồng chí nói, thôi cái này để sau đại hội, nhiệm kỳ mới sẽ làm, chứ làm thì va chạm lắm. Sắp xếp lại thì bộ này, bộ kia, nhiều tâm lý lắm, không làm được. Tôi bảo, để đại hội sau càng không làm được, vừa đại hội xong, vừa bầu, vừa biểu quyết thì ai làm khác được, rất khó khăn. Vì vậy, đây là thời cơ vàng của chúng ta...”, Tổng Bí thư chia sẻ.
![Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: Như Ý](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_20_51467140/e2199de8aca645f81cb7.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: Như Ý
Cái gì cản trở là phải bỏ
Tổng Bí thư cũng cho biết, trong quá trình triển khai cũng nghiên cứu rất kỹ, từ yếu tố lịch sử, rồi xem kinh nghiệm các nước, họ đều phải tính đến hiệu quả điều hành... “Ta quan tâm đến khả năng lãnh đạo, tầm nhìn dài hạn, thích nghi, thích ứng, ưu tiên chiến lược, sự đổi mới của chính quyền, Chính phủ, đấy là mục tiêu rất quan trọng. Mỗi giai đoạn của cách mạng, phải có đường lối để thực thi”.
Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư khẳng định, để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy phải đảm bảo được mục tiêu đó. Cái gì cản trở là phải bỏ.
![Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh: Như Ý](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_20_51467140/cd8f4c7f7d31946fcd20.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh: Như Ý
"Có đại biểu nói về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta rất vất vả xóa được nền kinh tế bao cấp, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ra kế hoạch dài hạn, đây là bước chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Nhìn ra thế giới chỉ có hai nước có bộ kế hoạch và đầu tư là Việt Nam với Lào. Lào cũng bỏ rồi, nhập vào Bộ Tài chính, không còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư nữa.
Tôi nghiên cứu, đúng là bộ làm rất nhiều việc, phát triển chiến lược kinh tế với 3 viện nghiên cứu kinh tế. Nhưng thế này là "nhầm chân". Nhiệm vụ này của Ban Kinh tế Trung ương, hoạch định đường lối chính sách về kinh tế, chứ không thể giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, không phải chức năng. Còn chức năng tổng hợp thì phải văn phòng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm sao tổng hợp vấn đề về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh”, Tổng Bí thư chia sẻ.
Còn về tài chính, “hai ông đều thu, hai ông đều chi”, phải thống nhất lại. Thu nước ngoài, chi nước ngoài là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn nội địa thì Bộ Tài chính. “Sao lại có chuyện vô lý như thế mà không điều chỉnh”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói. Do vậy, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành chính, toàn dân phải thực hiện, chứ không phải bố trí hệ thống luật pháp chỉ để cho bộ máy hoạt động, rất bất cập.
"Nhiều lúc tôi tự hỏi, nhàn nhất là ông chủ tịch thành phố"
Tổng Bí thư nêu vấn đề: Tại sao tiềm lực như thế mà không phát triển được, đầu tư công thế nào mà khó khăn thế? Có tiền của Nhà nước mà không tiêu được? Vì sao hệ thống luật lệ quy định lại phức tạp thế này, đủ các quy định mới tiêu được tiền? Địa phương này muốn hỗ trợ địa phương khác không được, rà soát ra thấy vô cùng nhiều vấn đề.
Tất cả theo một kế hoạch, đầu nhiệm kỳ Quốc hội phân bổ hết vốn, rồi lại điều chỉnh, mà không ai được quyền điều chỉnh ngoài Quốc hội, muốn điều chỉnh lại phải xin...
“Vậy chủ tịch tỉnh, chủ tịch thành phố làm gì? Có kế hoạch 5 năm, đầu nhiệm kỳ phân bổ ngân sách xong hết rồi, cứ thế mà làm, đồng nào mua muối là phải mua muối, mua gạo phải mua gạo. Lấy tiền đong gạo đi mua muối là chết. Dân đói mà cầm tiền muối đi mua gạo là chết, phân bổ cứng hết rồi.
Vậy thì còn gì để chủ tịch tỉnh làm nữa, năng động, sáng tạo vào đâu được nữa? Quản lý ngân sách cũng góp phần vào việc như vậy, rất khó khăn. Nhiều lúc tôi tự hỏi, nhàn nhất là ông chủ tịch thành phố, tất cả xong hết rồi, làm gì còn việc gì mà làm, làm khác đi là chết. Đất một mét cũng không được điều chỉnh, do Chính phủ hết. Vậy làm sao tiếp nhà đầu tư, vì làm gì có đất cho họ đầu tư, vì tất cả phân bổ hết rồi, thì hằng ngày ông làm gì?”, Tổng Bí thư nêu hàng loạt bất cập.
Nhấn mạnh cải cách để tăng trưởng, Tổng Bí thư cho rằng, chỉ có tăng trưởng mới có đủ tiềm lực để bảo vệ đất nước, mới đủ điều kiện để thực thi được các chính sách và các mục tiêu mới đạt được…
“Trong tăng trưởng có nhiều giải pháp nhưng bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu rất quan trọng”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư ví dụ, một quận, huyện của Hà Nội, như huyện Đông Anh, quận Hoàn Kiếm, nguồn thu bằng vài tỉnh, thậm chí hơn hai chục lần của một tỉnh. Tại sao một huyện, quận như thế, quy mô đất đai, dân số như thế, người ta lại làm được những điều như vậy?... “Người ta không có đất đai, tiềm năng tài nguyên không có gì cả mà lại khuyến khích được sản xuất, kinh doanh để tạo được nguồn thu, thì phải mang sách vở đến mà học, phải tính toán lại, phải rút kinh nghiệm với những việc đó”, Tổng Bí thư nói.