Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải tính toán cơ cấu vùng, khu vực để thành phố Huế trở thành một cực tăng trưởng, cực đổi mới sáng tạo

Sáng 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tại Tổ.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tại Tổ.

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn. Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự, chủ trì thảo luận Tổ.

Cùng tham gia thảo luận Tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình có đại biểu Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ số 12.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ số 12.

Phát biểu định hướng một số nội dung liên quan đến Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, nội dung này đã có quá trình chuẩn bị rất lâu. Trung ương đã bàn bạc và thống nhất cho rằng, quan trọng nhất là có đủ các căn cứ và tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. Nhà nước cũng phải tính toán cơ cấu vùng, khu vực để thành phố Huế trở thành một cực tăng trưởng của khu vực. Hiện nay, chúng ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, nếu Quốc hội thông qua Đề án này sẽ có 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Các thành phố này đều đóng vai trò dẫn đầu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến tiêu chí rất quan trọng là triển vọng phát triển, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế cần có cơ chế đặc thù, đặc biệt để phát triển đi đầu và dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội.

Về mục tiêu phát triển, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng cần quan tâm đến sự phát triển bền vững và hài hòa. Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu thống nhất cho rằng, thành phố Huế đủ điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng còn một số hạn chế cần tiếp tục tìm giải pháp để hoàn thành các tiêu chí như quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa… để thành phố Huế thể hiện rõ vai trò dẫn đầu, là một cực tăng trưởng, cực đổi mới sáng tạo. Các chính sách đặc thù được nêu trong Đề án cũng nhằm tạo điều kiện để đầu tư đổi mới sáng tạo, là những bước đi ban đầu thử nghiệm những chính sách mới, nếu làm tốt sẽ nhân rộng ra cả nước…

Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư khẳng định, đây là vấn đề rất lớn, Trung ương đang tập trung bàn thảo làm sao tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; không hình thức để đảm bảo đúng thực chất, áp dụng không chỉ cho thành phố Hải Phòng mà của cả nước.

Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 17-NQ/TW về cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước đã chỉ rõ thực trạng bộ máy còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp và tinh gọn. Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Trung ương trong các nhiệm kỳ qua đều nêu chủ trương về sự cần thiết tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Tổng Bí thư cũng đề cập đến thực tế, 70% ngân sách hiện đang dành cho chi trả lương và chi thường xuyên, tỷ lệ ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển thấp.

Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Ghi nhận và chia sẻ với các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ 12, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, những trăn trở của đại biểu cũng là những nhiệm vụ mà Trung ương sẽ phải tập trung bàn thảo; đề nghị đại biểu Quốc hội đánh giá ở góc độ này để nhìn nhận con đường phát triển, lường trước những khó khăn để có các giải pháp ứng phó.

Phát biểu thảo luận tại Tổ, đại biểu Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; tán thành việc điều chuyển, bổ sung thêm một số thẩm quyền cho HĐND thành phố để tăng cường năng lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường. Đây cũng là một trong những chủ trương nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Đinh Việt Dũng phát biểu thảo luận tại Tổ.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Đinh Việt Dũng phát biểu thảo luận tại Tổ.

Góp ý về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Đinh Việt Dũng cho đây là mô hình rất mới và đã được manh nha từ 15 năm nay, bắt đầu từ Kết luận 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và gần đây là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đại biểu, có thể nói, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và cả nước cũng rất quan tâm, trăn trở đối với sự phát triển của thành phố Huế, bởi đây là đô thị cổ, gần như còn nguyên vẹn và rất gần với lịch sử cận đại.

Với mong muốn Huế ngày càng phát triển, đại biểu bày tỏ quan điểm ủng hộ rất cao việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Đồng thời đề xuất nên xây dựng cơ chế đặc thù riêng cho đô thị di sản này nhằmbảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị văn hóa mà lịch sử cha ông ta để lại.

Về tên gọi, đại biểu thống nhất việc đặt tên là thành phố Huế trực thuộc Trung ương bởi danh xưng này có lịch sử hình thành lâu đời và đã khắc sâu trong tâm thức của người dân Huế nói riêng, người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Huế đã trở thành thương hiệu của địa phương mang tầm quốc gia, quốc tế.

Bày tỏ về những băn khoăn sau khi thành lập thành phốHuế trực thuộc Trung ương, đại biểu cũng cho rằng cần phải có những cơ chế đặc thù, nhất là cơ chế đặc thù nhằm phát triển các vùng phía Tây của thành phố Huế tương lai, nếu không các vùng này sẽ dễ bị tụt hậu so với đơn vị hành chính còn lại của thành phố Huế, đặc biệt là đối với các quận bám biển. Đồng thời cần có cơ chế để khai thác và phát huy thế mạnh của khu kinh tế Lăng Cô-Chân Mây, Liên Chiểu…

*Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Quy định liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; về mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế; phương thức đóng bảo hiểm y tế; thẻ bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế; mức hưởng bảo hiểm y tế; vấn đề thông cấp khám bệnh, chữa bệnh; việc thiết lập cơ chế để người dân, nhất là người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh sử dụng kỹ thuật cao không còn lệ thuộc vào thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nữa, mà có thể đến bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào theo nguyện vọng của mình…

Dự kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ được cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.

Mai Lan - Thanh Thủy

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tan-806585.htm
Zalo