Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Khoa học là miền đất hoang vu, ai đi vào trúng được thì sẽ thắng lợi lớn'

Sáng 15/2, tiếp tục chương trình của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm tham gia phiên thảo luận và cho ý kiến tại Tổ 1 (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).

 Tổng Bí thư Tô Lâm tham gia phiên thảo luận tại Tổ 1 (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), sáng 15/2 (ảnh: VPQH cung cấp).

Tổng Bí thư Tô Lâm tham gia phiên thảo luận tại Tổ 1 (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), sáng 15/2 (ảnh: VPQH cung cấp).

“Chờ xếp hàng xong, chỉnh tề mới hô cùng chạy thì muộn rồi”

Cho ý kiến về vấn đề này tại phiên thảo luận tại Tổ 1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, nghị quyết của Quốc hội là quan trọng, rất gấp bởi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được ban hành từ cuối năm 2024 nhưng để đi vào được cuộc sống thì phải chờ sửa luật, nhanh nhất phải giữa hoặc cuối năm 2025.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, nếu như vậy sẽ không triển khai được hoặc triển khai không có ý nghĩa gì. Do đó, cần có văn bản của Quốc hội để thể chế hóa, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn ngay.

 Tổng Bí thư Tô Lâm cho ý kiến tại phiên thảo luận ở Tổ 1 (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), sáng 15/2 (ảnh: VPQH cung cấp).

Tổng Bí thư Tô Lâm cho ý kiến tại phiên thảo luận ở Tổ 1 (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), sáng 15/2 (ảnh: VPQH cung cấp).

Tổng Bí thư cho biết, phạm vi vấn đề này quá lớn, đụng vào cái gì cũng thấy khó khăn, khó do quy định của chúng ta. Bài học để thấy thể chế là điểm nghẽn. Quốc hội họp bất thường để giải quyết vấn đề không bình thường. “Nghe các đại biểu phát biểu tôi thấy thấm và thể hiện sự khẩn trương đưa vào cuộc sống” – Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

“Đây cũng chỉ là bước đầu, mới một số vấn đề chứ chưa hết được nhưng không ra được nghị quyết thì thất bại. Hàng lối ngăn nắp rồi nhưng vẫn phải chạy. Để chờ xếp hàng xong, chỉnh tề mới hô cùng chạy thì muộn rồi, người ta đã đi xa rồi” - Tổng Bí thư khẳng định.

“Khoa học là miền đất hoang vu, ai đi vào trúng được thì sẽ thắng lợi lớn”

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, ai cũng thấy giá trị, sự cần thiết của Khoa học công nghệ (KHCN) nhưng tại sao không phát triển được? Sửa Luật KHCN thôi cũng chưa đủ thúc đẩy KHCN phát triển. Ví dụ Luật Đấu thầu có vấn đề, đấu thầu với lĩnh vực KHCN như hiện nay thì chỉ có mua đồ rẻ vì không khuyến khích mua đồ đắt tiền cả, thế thì mình sẽ trở thành bãi rác của KHCN. Thậm chí người ta cho mình những KHCN lạc hậu.

 Tổng Bí thư Tô Lâm cho ý kiến tại phiên thảo luận ở Tổ 1 (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), sáng 15/2 (ảnh: VPQH cung cấp).

Tổng Bí thư Tô Lâm cho ý kiến tại phiên thảo luận ở Tổ 1 (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), sáng 15/2 (ảnh: VPQH cung cấp).

Lựa chọn công nghệ gì? Theo Tổng Bí thư, mình đi sau phải biết đi tắt đón đầu. Thế giới người ta phát triển rồi mà mình còn không biết người ta đi đến đâu, mình đi theo người ta thì lúc nào cũng lũn cũn đi sau. Mình cho là người ta đưa công nghệ tiên tiến cho mình nhưng so với thế giới thì lạc hậu rồi. Cứ căn cứ theo Luật Đấu thầu thì sẽ vấp phải điều này, thậm chí người ta còn cho không. Rõ ràng đấu thầu của mình chỉ quan tâm giá rẻ.

“Thực tế một số nền kinh tế vừa qua đi vào KHCN không phát triển được là vì mắc ở vốn đầu tư cũ, không có hàm lượng KHCN tiên tiến, lúng túng thu hồi vốn ở công nghệ lạc hậu. Mình lại đi vào vết xe này nữa là mình chết. Mình phải thoát ra như thế nào, đó là vấn đề cần phải gỡ” – Tổng Bí thư phân tích.

Hoặc vấn đề đầu tư công, đầu tư tư, hợp tác công công, hợp tác công tư, theo Tổng Bí thư, mối quan hệ phải đi đến tính hiệu quả. Mình đang máy móc không tính đến Luật Thuế. Vừa rồi Chính phủ đề xuất miễn giảm thuế thì lại thu thuế được nhiều hơn. Năm nay miễn thì lại thu nhiều hơn năm ngoái. Hạ lãi suất tiết kiệm, hạ lãi cho vay… Giải pháp rất hay.

 Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 1, sáng 15/2 (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 1, sáng 15/2 (ảnh: VPQH cung cấp).

“Hôm trước họp với Chính phủ nghe Thủ tướng nói tôi rất xúc động. Miễn, giảm thuế khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển. Lãi 5-7% thì người ta không sản xuất kinh doanh, xã hội không phát triển được. Hạ lãi vay thì nhiều người tham gia sản xuất kinh doanh, thì nhiều người vay hơn và ngân hàng thu về được nhiều lợi nhuận hơn” – Tổng Bí thư bày tỏ.

Theo Tổng Bí thư, quy định của ta là khuyến khích sản xuất kinh doanh chứ không phải lo thu nhiều. Chính sách này phải được tính toán trong các chính sách, luật. Phải khuyến khích doanh nghiệp, ví dụ trường đại học phải có sự kết gắn với doanh nghiệp, trong đó có hợp tác xã...

“Thể chế là một điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ. Khoa học là miền đất hoang vu, ai đi vào trúng được thì sẽ thắng lợi lớn. Nghị quyết 57 thấy được vấn đề này và phải thấy chủ trương. Thênh thang ai cũng đến được thì dễ quá…” Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/tong-bi-thu-to-lam-khoa-hoc-la-mien-dat-hoang-vu-ai-di-vao-trung-duoc-thi-se-thang-loi-lon-172904.html
Zalo