Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Chiều 28-3, tại TP Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chủ trì gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025).
Cùng dự gặp mặt có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt.
Tham dự gặp mặt có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy, thành ủy qua các thời kỳ trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, cựu thanh niên xung phong, gia đình chính sách tiêu biểu tại các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên.
Sau khi lắng nghe các cán bộ lão thành, người có công với cách mạng chia sẻ những ý kiến tâm huyết, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp và mong muốn các đồng chí tiếp tục dành sự quan tâm, đóng góp ý kiến tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, nhân dân ta và cho địa phương nơi đang cư trú, sinh sống.

Quang cảnh buổi gặp mặt.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết: Sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sự vào cuộc tích cực, có hiệu quả của hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các đồng chí tham dự gặp mặt hôm nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, phát triển đất nước đã đạt được nhiều thành tựu vĩ đại. Chặng đường 80 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ một nước nghèo nàn, bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây, cô lập, đến nay Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm.
Cùng với đó, quy mô nền kinh tế năm 2024 đã đạt hơn 470 tỷ USD, đứng thứ 32 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao. Cục diện đối ngoại không ngừng được mở rộng; vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được lan tỏa, có những đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trong vai trò thành viên ASEAN, Liên hợp quốc và các tổ chức, thể chế quốc tế khác được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tại buổi gặp mặt.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, suốt 50 năm qua, trong những ngày tháng 5 lịch sử này, chúng ta đều ôn lại lịch sử oanh liệt, hào hùng của công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước; sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự anh dũng, kiên cường, bất khuất, hy sinh to lớn của toàn dân tộc vì mục tiêu thống nhất non sông đất nước. Thế hệ hôm nay và mai sau vẫn tiếp tục tri ân, tạc ghi công lao trời biển của Đảng, của Bác, của hàng triệu chiến sĩ, anh hùng liệt sĩ, các tầng lớp nhân dân đã hiến dâng cuộc sống, hiến dâng sức khỏe cho một Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, giàu mạnh; không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ của anh em, bạn bè và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.



Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu tại buổi gặp mặt.
Tổng Bí thư nêu rõ, kể từ sau Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII (tháng 9-2024) đến nay, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ta thực sự thống nhất về ý chí và hành động, tất cả vì mục tiêu chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc. Với khát vọng lớn, tầm nhìn xa, tư duy đổi mới, sát thực tiễn, Trung ương đã đưa ra nhiều quyết sách mang tính cách mạng, đột phá, tạo nền tảng để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới với mục tiêu cao nhất là giữ vững và ổn định đất nước, tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Tổng Bí thư cho biết, về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được thực hiện mạnh mẽ, triệt để, khoa học, nhân văn, làm từ trên xuống dưới với phương châm “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”. Bộ Chính trị đang xây dựng nội dung để trình Trung ương “Đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã”; “Đề án sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”; “Chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 2013”... sau đó xin ý kiến nhân dân.
Các nội dung trên nhằm mục đích tổ chức lại không gian phát triển kinh tế - xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng với tầm nhìn đến năm 2045 - 2050 và xa hơn nữa. Dự kiến, hệ thống tổ chức bộ máy hành chính sẽ cơ cấu lại gồm 3 cấp, đó là Trung ương, tỉnh, thành phố và xã, phường. Cơ cấu tổ chức này hướng tới mục tiêu chính quyền, cán bộ gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Chính quyền chủ động tiếp cận với người dân thay vì nhân dân phải tới chính quyền và tạo không gian cho phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực, vùng và đất nước.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư cho biết, công tác này vẫn được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trung ương Đảng còn bổ sung nội hàm phòng, chống lãng phí, tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn và nhiệm vụ đó tiếp tục được tiến hành kiên quyết, kiên trì trong thời gian tới. Bộ Chính trị, Ban Bí thư bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với trọng tâm là chỉ đạo phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tổng Bí thư lưu ý, quá trình tổ chức Đại hội Đảng các cấp, cơ cấu lại hệ thống hành chính, sắp xếp tổ chức cán bộ, di dời trụ sở cơ quan, không tổ chức cấp huyện, tổ chức lại cấp xã... sẽ không loại trừ tình trạng “đục nước béo cò”, “tranh tối tranh sáng” để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Do vậy, ngoài trách nhiệm chính yếu của hệ thống chính trị, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, còn cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tổng Bí thư cho biết, Đại hội XIV của Đảng sẽ diễn ra trong quý I-2026. Đây sẽ là Đại hội đánh dấu khởi điểm kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, phồn vinh, thịnh vượng. Công tác chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội đã được xây dựng trên tinh thần ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, thể hiện rõ tính cách mạng, tính mục đích, tính định hướng và tính hiện thực.
Đề cập về một số định hướng phát triển trong thời gian tới, Tổng Bí thư cho biết, trước hết đất nước cần ổn định để phát triển. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, mở ra cơ hội cải thiện năng suất lao động, tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp nhân dân. Về kinh tế, năm 2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên và hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Do đó, cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước; đồng thời thực hiện mục tiêu chăm lo và nâng cao đời sống nhân dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, lịch sử đã cho thấy tương lai thuộc về những dân tộc biết ấp ủ khát vọng lớn và chung tay hành động vì lợi ích chung. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, đạt được nhiều kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nhất định sẽ kế thừa, phát huy cao độ truyền thống cha ông, tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt được những kỳ tích mới trong tương lai.
Tổng Bí thư khẳng định, trong thành tựu chung của đất nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, sĩ quan, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đặc biệt là sự hy sinh to lớn, vĩ đại của các chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân đã làm non sông đất nước vang khúc khải hoàn, trường tồn và phát triển. Tổng Bí thư mong muốn với nhiệt huyết, trách nhiệm, tùy theo điều kiện của mỗi người, tiếp tục có những đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, nhân dân và dân tộc ta.